Giá xăng dầu hôm nay 1.6.2022: Không xả quỹ, xăng có thể tăng hơn 2.000 đồng/lít

01/06/2022 09:00 GMT+7

Các dự báo đều cho thấy, giá xăng trong nước tại kỳ điều chỉnh chiều nay (1.6) sẽ tăng, xác lập kỷ lục mới. Trong khi đó, giá dầu thế giới liên tục leo thang từ đầu tuần đến nay.

Chiều nay (1.6), liên bộ Công thương - Tài chính sẽ thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ 10 ngày.

Dữ liệu từ Bộ Công thương cho thấy, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore tiếp tục tăng mạnh. Cập nhật đến ngày 30.5, giá xăng RON 92 (dùng pha chế xăng E5 RON 92) vọt lên 149,94 USD/thùng, xăng RON 95 lên 158,12 USD/thùng, dầu diesel lên 152,66 USD/thùng...

Xăng trong nước được dự báo tăng mạnh chiều nay

NGỌC DƯƠNG

Một số thương nhân đầu mối cho biết, giá xăng dầu thành phẩm ngày 30.5 đã vọt lên chênh lệch đến 2.100 đồng/lít so với giá bán lẻ trong nước. Như vậy, xu hướng cả giá dầu thô lẫn xăng dầu thành phẩm đều tăng mạnh. Dự báo mức tăng có thể trên 1.000 đồng/lít. Đặc biệt, nếu không xả quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá xăng RON 95 có thể leo lên mức 32.000 - 33.000 đồng/lít.

Sáng 1.6, giá bán lẻ xăng dầu trong nước cụ thể: xăng E5 RON 92 29.633 đồng/lít; xăng RON 95 30.657 đồng/lít; dầu diesel 25.553 đồng/lít; dầu hỏa 24.405 đồng/lít và dầu mazut 20.598 đồng/kg.

Trên thế giới, lệnh cấm một phần dầu mỏ Nga của Liên minh châu Âu (EU) đã được thông báo chính thức tại Hội nghị thượng đỉnh bất thường ngày hôm qua (31.5) tiếp tục đẩy giá dầu thế giới đi lên.

Ngày 1.6, dầu thô WTI của Mỹ tiếp đà tăng, giao dịch ở ngưỡng 115,5 USD/thùng, dầu Brent chuẩn toàn cầu vẫn neo trên mốc 122 USD/thùng. Chốt phiên khuya 31.5, dầu thô Brent đã tăng lên 124,64 USD/thùng, sau đó lùi dần về mức 122,84 USD/thùng;

Theo thỏa thuận này, lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga sẽ được áp dụng ngay đối với lượng dầu nhập khẩu qua đường biển (chiếm 2/3) còn lượng dầu nhập khẩu qua đường ống Druzhba (1/3) vẫn được bỏ ngỏ. Mức cấm vận sẽ tăng lên 90% khi Ba Lan và Đức - 2 quốc gia có kết nối với đường ống dẫn dầu Druzhba - ngừng nhập khẩu qua tuyến đường ống này vào cuối năm nay. 10% còn lại tạm thời được miễn cấm vận để Hungary, Slovakia và Séc vẫn nhập khẩu được dầu thông qua tuyến đường ống vốn không dễ dàng thay thế này.

Giới phân tích cho rằng, để bù vào sản lượng thiếu hụt này, EU sẽ phải tìm kiếm nguồn cung mới từ OPEC+, Mỹ... Song, có một thực tế là sản lượng khai thác của OPEC+ cũng đang rất hạn chế, thấp hơn nhiều so với cam kết. OPEC+ đã liên tục cắt giảm sản lượng kể từ đại dịch Covid-19 năm 2020. Dự kiến tại lần nhóm họp vào ngày 2.6, tổ chức này vẫn duy trì tăng mục tiêu sản lượng lên 432.000 thùng/ngày cho tháng 7. Với Nga, sau lệnh cấm vận dầu của EU, Nga buộc phải tìm kiếm các khách hàng mới mà hiện tại chủ yếu tập trung ở khu vực châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ. Tuy nhiên, việc chuyển dầu thô từ Nga sang Ấn Độ không dễ dàng trong bối cảnh chi phí logistics toàn cầu đang tăng cao.

Theo OilPrices, giá năng lượng tăng có thể thúc đẩy thế giới bước vào cuộc suy thoái theo kiểu những năm 1980. Các nhà phân tích trong Ngân hàng Mỹ cảnh báo, việc đưa dầu thô Nga ra khỏi thị trường toàn cầu dễ dẫn đến nguy cơ suy thoái toàn cầu, dầu có thể vọt lên 130 USD/thùng trong ngắn hạn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.