Ngày 10.10, giá xăng dầu đóng phiên tăng hơn 4%. Cụ thể, giá dầu Brent tăng 3,57 USD, tương đương 4,2%, lên mức 88,15 USD/thùng; giá dầu thô WTI của Mỹ đóng cửa ở mức 86,38 USD/thùng, tăng 3,59 USD, tương đương 4,3%.
Nhóm Hamas phát động cuộc tấn công quân sự lớn nhất trong nhiều thập kỷ vào Israel đã đẩy giá dầu quay đầu tăng phiên đầu tuần. Các nguồn tin cho biết, cảng Ashkelon của Israel và kho cảng dầu mỏ của nước này đã bị đóng cửa sau cuộc xung đột. Theo Reuters, nguồn cung đã bị thắt chặt khi Ả Rập Xê Út và Nga cắt giảm sản lượng mạnh, nay thêm xung đột này, dự báo các gián đoạn mới sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thắt chặt nguồn cung trong những tháng cuối năm.
Các nhà phân tích cho rằng, tác động của cuộc xung đột có thể ảnh hưởng nhiều đến giá dầu trong những tháng tới. Giá dầu tăng có thể thúc đẩy lạm phát, buộc các ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất và có thể khiến nhu cầu dùng nhiên liệu giảm.
Tuy tăng mạnh, song tuần trước, 2 loại dầu chuẩn giảm khoảng 9 - 11%, mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 3 đến nay. Thế nên, cập nhật giá cả hàng hóa đến tối 9.10 cho thấy, giá xăng dầu trong nước tại kỳ điều chỉnh chiều 11.10 vẫn có thể giảm mạnh.
Theo bảng giá xăng dầu thành phẩm tham chiếu trên thị trường Singapore đến tối 9.10, giá xăng RON95 ở mức 97,89 USD/thùng, xăng RON92 92,78 USD/thùng, dầu diesel 115,38 USD/thùng... So với giá bình quân tại kỳ điều chỉnh gần đây (2.10), giá xăng dầu trong nước vẫn đang cao hơn giá nhập khẩu. Sáng 10.10, một lãnh đạo công ty đầu mối xăng dầu phía nam cho biết, giá xăng dầu trong nước có thể giảm tiếp tại kỳ điều hành này. Mức chênh lệch khoảng 1.100 - 2.000 đồng/lít, tùy loại và chưa bao gồm Quỹ bình ổn giá xăng dầu và các loại phí khác nếu có điều chỉnh.
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 28 lần điều chỉnh, trong đó có 17 lần tăng giá, 8 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.
Bình luận (0)