Ngày 14.8, giá xăng dầu giảm nhẹ, ghi nhận lúc 7 giờ 30 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 0,26% xuống 82,97 USD/thùng; trong khi giá dầu thô Brent chuẩn toàn cầu giao tháng 10 giảm 0,22% xuống 86,54 USD/thùng.
Như vậy, sau chuỗi tăng giá hằng tuần dài nhất kể từ năm 2022, giá dầu thô trong phiên giao dịch sáng đầu tuần giảm trở lại.
Tuy vậy, quan sát thị trường, nhà phân tích trên Oanda, ông Ed Moya, cho rằng thị trường vẫn có động lực để có thêm một tuần tăng giá. Các nhà giao dịch vẫn giữ niềm tin mãnh liệt về nguồn cung dầu thô tiếp tục thắt chặt và có vẻ như tình trạng kiệt quệ nguồn cung vẫn chưa lắng xuống.
Cơ sở để các dự báo lạc quan về giá dầu vẫn tiếp diễn nhờ dự báo nguồn cung giảm, nhu cầu tăng. Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc vào tháng 7 giảm so với tháng 6, nhưng vẫn tăng 17% so cùng kỳ năm ngoái. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OEPC) đưa ra dự báo mới nhất về triển vọng thị trường trong những tháng cuối năm khá lạc quan. Nhóm này dự báo, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 2,44 triệu thùng mỗi ngày trong năm nay. Tuần trước, Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cũng đưa ra nhận định nhu cầu dầu thế giới đang "ở mức cao nhất mọi thời đại", lên 103 triệu thùng/ngày trong tháng 6, đẩy nhu cầu dầu hằng ngày tăng 2,2 triệu thùng so với năm ngoái. Bên cạnh đó, IEA dự báo nhu cầu có thể lập một đỉnh khác vào tháng 8 nữa.
Trong nước, sau điều chỉnh tăng nhẹ giá xăng, giá dầu các loại tăng mạnh, chiết khấu bán lẻ xăng dầu vài ngày qua có sự thay đổi đáng kể. Ngày 14.8, Công ty Petro Times thông báo chiết khấu đối với dầu lên 1.520 đồng/lít; xăng 1.000 đồng/lít, lấy hàng tại các kho khu vực phía bắc. Ở phía nam, chiết khấu tại kho Nhà Bè đối với xăng phổ biến mức 900 - 1.000 đồng/lít, dầu 1.400 đồng/lít.
Ngày 14.8, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu trên thị trường trong nước phổ biến như sau: xăng RON95-III 23.993 đồng/lít, xăng E5 RON92 22.822 đồng/lít, dầu diesel 22.425 đồng/lít, dầu hỏa 21.889 đồng/lít, dầu mazut 17.668 đồng/kg.
Bình luận (0)