Ngày 15.8, dầu thô ngọt nhẹ WTI kết thúc phiên cuối tuần mất 41 cent về 68,03 USD/thùng; dầu Brent mất 34 cent về 70,25 USD/thùng. Như vậy, trong tuần qua, hai hợp đồng đồng dầu thô tăng giảm trái chiều, mức tăng giảm thấp, chưa tới 0,5%, dầu thô Mỹ WTI nhích nhẹ 19 cent còn dầu Brent lùi 15 cent.
Theo Reuters, IEA cho biết nhu cầu dầu thô đã ngừng lại vào tháng 7 và dự kiến sẽ tăng với tốc độ chậm hơn trong những tháng cuối năm nay do sự lây nhiễm gia tăng từ biến thể Delta của vi rút Corona. Các nhà phân tích cho rằng, sự thay đổi đột ngột của IEA đã ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và kìm hãm đà tăng của giá dầu. Tổ chức nghiên cứu JPM Commodities Research cho hay, đà phục hồi nhu cầu bị ngưng lại trong tháng này với nhu cầu dầu chỉ đạt 98,3 triệu thùng/ngày trong tháng 8 và bình quân đạt 97,9 triệu thùng/ngày trong tháng 9, ngang bằng với mức bình quân gần 98 triệu thùng/ngày trong tháng 7.
Tương tự, ngân hàng Goldman Sachs đã hạ dự báo thâm hụt dầu toàn cầu từ 2,3 triệu thùng/ngày xuống còn 1 triệu thùng/ngày trong ngắn hạn khi nhu cầu dự kiến giảm trong tháng 8 và tháng 9. Tuy nhiên, các dự báo vẫn xác định nhu cầu giảm là “rủi ro trong ngắn hạn”, giá dầu trong tuần tới vẫn được hỗ trợ bởi nhu cầu được cải thiện ở một số nước tiêu thụ hàng đầu thế giới, Mỹ và các quốc gia khác, nơi có tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 cao.
Trong khi đó, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vào ngày 12.8 vẫn giữ nguyên dự báo về đà phục hồi nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay và nhận định tăng trưởng hơn nữa vào năm 2022, bất chấp lo ngại ngày càng tăng về sự bùng phát số ca nhiễm Covid-19.
Ngày 15.8, giá xăng dầu trong nước sau kỳ điều chỉnh như sau: xăng E5 RON92 là 20.498 đồng/lít, xăng RON95 là 21.681 đồng/lít, dầu diesel là 16.173 đồng/lít, dầu hỏa là 15.179 đồng/lít và dầu mazut 15.405 đồng/kg.
Bình luận (0)