Giá xăng dầu hôm nay 19.2.2022: OPEC cũng cho rằng giá dầu đang quá cao

19/02/2022 09:24 GMT+7

Trong tuần qua giá dầu biến động trái chiều, dầu WTI tăng gần 1% và dầu Brent giảm 1,7%, tuy nhiên, một số quan chức thuộc liên minh dầu mỏ OPEC bày tỏ rằng, giá dầu đang ở mức cao, có thể lên mốc 100 USD/thùng.

Ngày 19.2, giá dầu WTI đóng phiên ngày cuối tuần tăng nhẹ, dừng mức 90,55 USD/thùng, dầu Brent ở mức 91,61 USD/thùng.

Thị trường dầu thô đang bày tỏ sự lo ngại về việc nguồn cung có thể bị gián đoạn do sự hiện diện của quân đội Nga tại biên giới Ukraine, đẩy giá dầu tăng nhẹ trở lại trong phiên cuối tuần.

Một số quan chức trong OPEC cũng cho rằng giá dầu đang ở mức quá cao

REUTERS

Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng ông tin Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra quyết định xâm lược Ukraine trong những ngày tới. Theo đó, các dự báo và bày tỏ lo ngại dầu có thể tiến lên trên 95 USD/thùng và chạm mốc nếu chiến tranh xảy ra. Ở một diễn biến khác, nhiều dự đoán cho rằng, khả năng dầu thô của Iran sẽ quay trở lại thị trường trong tương lai gần sẽ giúp giảm nhiệt tình trạng khan hiếm nguồn cung hiện nay.

Trong nước, trước thực tế giá xăng dầu đang gánh đến 40% các loại thuế phí, nhiều ý kiến đề xuất nên giảm thuế phí để giảm áp lực cho giá xăng dầu trong bối cảnh giá thế giới tăng. Mới đây, Bộ Tài chính thông tin, với thuế giá trị gia tăng, mặt hàng xăng dầu nằm trong nhóm loại trừ không áp dụng giảm thuế từ 10% xuống 8% trong năm 2022 theo Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, xăng dầu không áp dụng chính sách giảm thuế này.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cho hay, hiện xăng dầu chỉ chịu các loại thuế, không thu phí và lệ phí nộp ngân sách. Các khoản thuế gồm thuế nhập khẩu (với xăng dầu nhập khẩu), thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt (chỉ thu đối với xăng, không thu với dầu) và thuế bảo vệ môi trường. Hiện thuế nhập khẩu ưu đãi (thuế suất MFN) áp dụng với xăng là 20%, các loại dầu và nhiên liệu bay là 7%. Tuy nhiên, theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, thuế với xăng dao động từ 8-8,8% tuỳ hiệp định, các mặt hàng dầu từ 0-7%. Xăng dầu Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Hàn Quốc và các nước ASEAN, nên thuế nhập khẩu với xăng cơ bản ở mức 8% và dầu 0%. Tỷ trọng xăng dầu nhập khẩu trên thị trường chỉ chiếm khoảng 20-30%, phần còn lại được cung ứng từ nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn.

Như vậy xăng A95 trong nước đang chịu các khoản thuế khoảng 9.000 đồng/lít. Cụ thể, với thuế giá trị gia tăng, xăng dầu chịu mức 10%; thuế tiêu thụ đặc biệt mức 10% với xăng, không thu với các loại dầu (thuế này với xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%); thuế bảo vệ môi trường với xăng là 4.000 đồng/lít (xăng sinh học E5 và E10 thu với phần xăng gốc, không tính trên phần ethanol pha trộn), các loại dầu là 2.000 đồng/lít.

Ngày 19.2, giá xăng dầu trong nước được niêm yết cụ thể như sau: xăng E5 RON 92 không quá 24.571 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 25.322 đồng/lít; dầu diesel không quá 19.865 đồng/lít; dầu hỏa không quá 18.751 đồng/lít và dầu mazut không quá 17.659 đồng/kg.

Cha con đẩy xe, đi bộ cả cây số vì cây xăng ở TP.HCM đóng cửa
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.