Ngày 19.1, cả hai hợp đồng dầu nhích nhẹ chưa tới 0,1%. Dầu thô ngọt nhẹ WTI giao dịch ngưỡng 52,5 USD/thùng, dầu Brent ở mức 55 USD/thùng. Cả hai hợp đồng này giảm sốc trong phiên đầu tuần kết thúc khuya hôm qua (18.1). Theo đó, dầu WTI lùi 21 cent (tương đương 0,4%) về 52,15 USD/thùng, trong phiên hợp đồng này có lúc rớt 2,3%; dầu Brent lùi 30 cent (tương đương 0,5%) xuống 54,79 USD/thùng.
Đà leo dốc của giá dầu, nhờ vào quyết định giảm sản lượng của Ả Rập Xê Út đầu tháng 2 tới và thông tin vắc xin ngừa Covid-19 được triển khai tại các nước, nay bị chững lại, có xu hướng giảm chủ yếu do lo ngại đại dịch Covid-19 tăng. Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới ngày 18.1 cho thấy xu hướng ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh trong những tuần qua.
Tuy nhiên, đà giảm của giá dầu có thể chững lại nhờ một vài dữ liệu tích cực gần đây. Trong đó, đáng lưu ý là thông tin tăng trưởng kinh tế từ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới - Trung Quốc. Quý cuối năm 2020, Trung Quốc đạt mức tăng trưởng 6,5%, cao hơn mức tăng trưởng của quý 3/2020 với 4,9%. Quốc gia này cũng đang triển khai mạnh các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau dịch Covid-19 với kỳ vọng tăng trưởng tốt trong năm nay, thúc đẩy nhu cầu dầu thô tăng theo. Song các nhà phân tích trên MarketWatch cũng cảnh báo, số người nhiễm Covid-19 mới đây tăng mạnh tại Trung Quốc là đáng lo ngại. “Trung Quốc là động cơ tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu, nhưng họ đang vật lộn với những đợt bùng phát Covid-19 mới và tình trạng đóng cửa ở các khu vực khác nhau trong nước dẫn đến suy giảm nhu cầu đi lại”, một nhà phân tích nhận định.
Ở trong nước, ngày 19.1, theo bảng giá bán lẻ xăng dầu của Petrolimex, xăng E5 RON92 mức cao nhất 15.948 đồng/lít; xăng RON95 16.930 đồng/lít; dầu diesel 12.647 đồng/lít; dầu hỏa 11.558 đồng/lít; dầu mazut 12.272 đồng/kg.
Bình luận (0)