Ngày 2.2, cả hai hợp đồng dầu thô đều tăng gần 0,5%, mức chênh lệch giá giữa dầu WTI của Mỹ và dầu Brent chuẩn toàn cầu chỉ cách 1 USD. Theo đó, dầu WTI giao dịch ở ngưỡng 88,6 USD/thùng, dầu Brent ở ngưỡng 89,6 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch khuya 1.2, giá dầu biến động trái chiều, dầu Brent giảm nhẹ trong khi dầu thô WTI tăng nhẹ.
Dầu tăng giá trước cuộc họp định kỳ của OPEC+ |
REUTERS |
Trong khi đó, giá dầu hôm nay 2.2 được dự báo tăng nhẹ khi một số dự đoán cho rằng OPEC+ có thể tăng nguồn cung nhiều hơn dự kiến. Trong tháng đầu năm, theo Oilprice, liên minh OPEC+ chỉ cung ứng thêm ra thị trường khoảng 210.000 thùng dầu/ngày, thấp hơn gần một nửa so với mục tiêu đề ra là 400.000 thùng/ngày. Tức là, sản lượng bổ sung còn thiếu khoảng 190.000 thùng dầu/ngày. Một số dự đoán còn cho rằng, nguồn cung có thể thấp hơn mức nói trên.
Tổng lượng dầu thô mà OPEC+ rút ra khỏi thị trường thực chất vẫn lên tới 2,803 triệu thùng/ngày - cao hơn đáng kể so với mức giảm cam kết là 2,129 triệu thùng/ngày. Mới đây, ngân hàng Goldman Sachs cho biết có khả năng sự phục hồi của thị trường dầu mỏ sẽ thúc đẩy một đợt tăng lớn hơn.
Trong tháng 1, cả hai hợp đồng dầu tăng khoảng 17%, lên trên 91 USD/thùng, lập đỉnh 8 năm.
Trong nước, ngày 2.2, giá bán lẻ xăng dầu cụ thể như sau: xăng E5 RON 92 không quá 23.595 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 24.360 đồng/lít; dầu diesel không quá 18.903 đồng/lít; dầu hỏa không quá 17.793 đồng/lít và dầu mazut không quá 16.993 đồng/kg. Do ngày điều chỉnh giá xăng dầu trong nước theo định kỳ ngày 1.2 rơi vào Tết Nguyên đán, nên giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn đang theo mức được điều chỉnh từ ngày 21.1 đến nay.
Bình luận (0)