Giá xăng dầu hôm nay 2.8.2022: Lao dốc về dưới mốc 100 USD/thùng

02/08/2022 09:25 GMT+7

Giá dầu thô thế giới sáng nay tiếp tục lao dốc, cả 2 loại dầu đều giảm mạnh. Dầu Brent chuẩn thế giới sau khi mất 4%, tiếp tục giảm về ngưỡng 99 USD/thùng.

Ngày 2.8, cả 2 loại dầu thô tiếp đà giảm. Dầu WTI của Mỹ lùi về ngưỡng 93,36 USD/thùng, dầu Brent chuẩn toàn cầu cũng về 99,36 USD/thùng. Kết thúc phiên khuya 1.8, giá dầu thô Brent mất 3,8% xuống 100,03 USD/thùng; giá dầu thô WTI cũng giảm 4,8% xuống 93,89 USD/thùng, sau khi chạm mức thấp nhất phiên ở 92,42 USD.

Giá dầu thế giới lao dốc về dưới mốc 100 USD/thùng

Thị trường dầu thô đang "nôn nóng" chờ thông tin về sản lượng từ OPEC+

REUTERS

Giá dầu thô hôm nay 2.8 tiếp tục giảm mạnh do lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu yếu, trong khi đó, việc phục hồi kinh tế, sản xuất tại hầu hết các nền kinh tế đều đang chậm hơn so với dự báo. Áp lực lạm phát leo thang tại nhiều quốc gia phát triển, giá cả hàng hóa tăng khiến chi tiêu dùng của người dân ngày càng giảm. Trong khi đó, chính sách phòng chống dịch Covid-19 của Trung Quốc quá nghiêm ngặt trong một thời gian dài, khiến nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới đang khá khó khăn để phục hồi sau dỡ bỏ các lệnh phong tỏa.

Theo khảo sát của Reuters, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã sản xuất tổng cộng 28,98 triệu thùng/ngày trong tháng 7, tăng 310.000 thùng/ngày so với tháng 6 nhằm lấp đầy khoảng trống do sản lượng giảm ở Nigeria và Libya. Tuy nhiên, mức tăng trên vẫn quá thấp so với con số cam kết là tăng 412.000 thùng/ngày của OPEC+. Kết quả khảo sát chỉ ra rằng các thành viên OPEC đã đáp ứng 60% thỏa thuận tăng sản lượng được thực hiện thông qua OPEC +, trong đó có Nga. Trong một diễn biến khác, tại cuộc họp dự kiến của OPEC+ diễn ra vào ngày 3.8 tới, nhóm có thể ​​sẽ không đưa ra thông báo về việc tăng sản lượng mới, bất chấp những nỗ lực của Mỹ đang vận động tăng sản lượng để hạ giá dầu.

Các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters cũng đã hạ dự báo giá dầu Brent trung bình năm 2022 xuống 105,75 USD, dầu thô WTI giảm xuống còn 101,28 USD. Ông Phil Flynn, một nhà phân tích tại tập đoàn Price Futures, cho hay vẫn còn một yếu tố không liên kết với dữ liệu kinh tế là vấn đề của nguồn cung và các nhà đầu tư đang "nôn nóng chờ đợi tín hiệu từ OPEC".

Trong nước, chiều qua (1.8), liên bộ Công thương - Tài chính quyết định thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn xăng dầu đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 800 đồng/lít (kỳ trước là 950 đồng/lít); xăng RON 95 ở mức 850 đồng/lít (kỳ trước là 950 đồng/lít); dầu diesel ở mức 450 đồng/lít (kỳ trước là 550 đồng/lít); dầu hỏa ở mức 650 đồng/lít (kỳ trước là 700 đồng/lít) và dầu mazut ở mức 787 đồng/kg (kỳ trước là 950 đồng/kg). Đồng thời không thực hiện chi Quỹ Bình ổn giá đối với các loại xăng dầu trong 10 ngày tới.

Sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: xăng E5 RON 92 không cao hơn 24.629 đồng/lít; xăng RON 95 không cao hơn 25.608 đồng/lít; dầu diesel 0.05S không cao hơn 23.908 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 24.533 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 16.548 đồng/kg. Như vậy, giá xăng dầu trong nước đã có đợt giảm thứ 4 liên tiếp. Tính từ đầu năm tới nay, giá xăng dầu đã trải qua 20 đợt điều chỉnh giá, trong đó có 13 đợt tăng và 7 đợt giảm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.