Ngày 22.6, giá xăng dầu lùi nhẹ, giá dầu Brent giảm 47 cent, tương đương 0,6%, xuống 85,24 USD/thùng; giá dầu WTI giảm 56 cent, tương đương 0,7%, xuống 80,73 USD/thùng.
Tuy vậy, mức giảm trong phiên cuối tuần không cứu được đà tăng của cả tuần. Tính nguyên tuần, 2 mặt hàng dầu chuẩn Brent và WTI đều tăng khoảng 3%, sau khi tăng khoảng 4% vào tuần trước.
Theo Reuters, đồng USD đã tăng lên mức cao nhất trong gần 2 tháng có thể làm giảm nhu cầu dầu - vốn được định giá bằng đồng bạc xanh - đã trở nên đắt hơn hàng hóa mua bằng các loại tiền tệ khác. Giá dầu giảm bất chấp dấu hiệu cho thấy nhu cầu dầu của Mỹ đã cải thiện và tồn kho nhiên liệu giảm. Tại Mỹ, thị trường tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, hoạt động kinh doanh tháng 6 đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 2 năm qua, trong bối cảnh việc làm phục hồi, kỳ vọng tình trạng lạm phát chậm lại gần đây có thể sẽ được duy trì.
Tuy vậy, bất chấp giá dầu thô giảm, giá xăng kỳ hạn tại Mỹ vẫn tăng ngày thứ 4 liên tiếp lên mức cao nhất trong 1 tháng do nhu cầu tăng trong mùa hè và tồn kho giảm.
Tại thị trường châu Á, đóng phiên cuối tuần, dù giá dầu thế giới có giảm nhẹ, song giá xăng thành phẩm tăng. Cập nhật đến sáng 22.6, giá cơ sở xăng dầu nhập vẫn cao hơn giá bán lẻ trong nước hiện tại. Một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phía nam dự báo, với đà này, dự báo giá tuần tới, xăng dầu trong nước có thể giữ đà tăng tiếp.
Ngày 22.6, giá xăng dầu trên thị trường theo bảng giá bán lẻ của Petrolimex tại vùng 1 như sau: xăng RON 95-V 22.950 đồng/lít, xăng RON 95-III 22.460 đồng/lít, xăng E5 RON92 21.500 đồng/lít, dầu diesel 20.360 - 21.000 đồng/lít, dầu hỏa 20,350 đồng/lít và dầu mazut (giá bán buôn) 17.220 - 20.520 đồng/kg.
Bình luận (0)