Giá xăng dầu hôm nay 22.8.2022: Thế giới lao dốc, trong nước 'chấm dứt' đà giảm?

22/08/2022 09:26 GMT+7

Giá dầu thô thế giới sáng nay lao dốc, mất hơn 1%, trong khi đó, nhiều dự báo cho thấy, giá xăng dầu trong nước chiều nay khó có kỳ giảm giá lần 6 liên tiếp.

Ngày 22.8, dầu thô Mỹ WTI lao dốc về dưới mốc 90 USD/thùng, dầu Brent chuẩn toàn cầu cũng mất hơn 1%, về ngưỡng 95,6 USD/thùng.

Giá xăng dầu ngày 22.8.2022: Thế giới lao dốc, trong nước 'chấm dứt' đà giảm?

Cập nhật dữ liệu nhập khẩu đến ngày 19.8, một số đầu mối xăng dầu phía nam cho hay, giá xăng RON 95-III nhập về 112,82 USD/thùng, xăng E5 RON 92 là 108,54 USD/thùng, dầu diesel lên 134,73 USD/thùng, dầu hỏa 132,48 USD/thùng, dầu mazut 479,66 USD/thùng. Mức giá này cao hơn so với giá nhập khẩu ngày 10.8, lần lượt 107,77 USD/thùng; 104,01 USD/thùng; 122,62 USD/thùng; 121,06 USD/thùng và 494,12 USD/thùng.

Giá xăng trong nước chiều này được dự đoán "khó giảm"

NHẬT THỊNH

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tại TP.HCM, hiện giá xăng dầu thành phẩm trung bình tại thị trường Singapore cao hơn giá bán lẻ xăng trong nước khoảng 280 - 320 đồng/lít, còn dầu diesel và dầu hỏa khoảng 950 - 1.000 đồng/lít. Do đó, kỳ điều hành chiều này 22.8, giá xăng dầu có thể tăng mức tương ứng khoảng 280 - 320 đồng/lít; còn dầu diesel, dầu hỏa tăng mạnh gần 1.000 đồng/lít. Các dự đoán đều nhấn mạnh, mức tăng/giảm còn tùy thuộc vào quyết định của cơ quan điều hành sẽ trích/chi Quỹ bình ổn giá thế nào.

Như vậy, sau 5 lần giảm liên tiếp, giá xăng trong nước chiều nay được dự báo "khó giảm tiếp" nếu vẫn duy trì việc trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Giá dầu thô sáng nay lao dốc, giảm khoảng 1% do áp lực từ đồng USD tăng mạnh và triển vọng lạc quan từ thỏa thuận hạt nhân tại Iran, có thể giúp nguồn cung tăng trở lại. Cuối tuần qua, một số thông tin cho thấy, các lệnh trừng phạt đối với 17 ngân hàng Iran cũng như 150 tổ chức kinh tế sẽ được dỡ bỏ. Vấn đề này từng được Iran đề cập khi bắt đầu các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ.

Trong khi đó, theo Reuters, Nga tiếp tục giữ vị trí là nhà cung cấp dầu hàng đầu của Trung Quốc tháng thứ 3 liên tiếp trong tháng 7, khi các nhà máy lọc dầu tư nhân tăng cường mua nguồn cung giá thấp trong khi giảm lô hàng từ các nhà cung cấp đối thủ như Angola và Brazil. Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu dầu từ Nga đạt 7,15 triệu tấn, tăng 7,6% so với một năm trước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.