Ngày 22.8, giá xăng dầu quay đầu giảm nhẹ, kết thúc phiên giao dịch ngày đầu tuần, các hợp đồng dầu Brent tương lai lùi 34 cent, tương đương 0,4%, xuống 84,46 USD/thùng; hợp đồng dầu WTI mất 53 cent, tương đương 0,65%, về 80,72 USD/thùng.
Vào đầu phiên, cả 2 hợp đồng dầu trên đều tăng tới 1 USD/thùng. Các nhà phân tích nhận định "cuộc chiến" giữa việc cắt giảm sản lượng và sụt giảm nhu cầu dầu bắt đầu. Reuters dẫn lời ông John Kilduff, đối tác tại Again Capital, nói có vẻ sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc sẽ không thể xảy ra. Trung Quốc đã mua rất nhiều dầu thô để dự trữ vào đầu năm nay và vẫn đang lên kế hoạch dự trữ dầu thô. Trong thực tế, giá dầu thô bị đẩy lên tăng trong gần 2 tháng qua bởi nỗi lo nguồn cung giảm, khi Nga và Ả Rập Xê Út cùng cắt giảm sản lượng và kỳ vọng nhu cầu tăng.
Tuy nhiên, thực tế của thị trường không đi theo dự tính của các nhà đang "điều khiển" thị trường nhiên liệu thế giới. Sự phục hồi sau đại dịch tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc đã không đạt như kỳ vọng. Trong tháng 7, xuất khẩu dầu từ Ả Rập Xê Út sang Trung Quốc giảm đến 31% so tháng 6 và được dự báo tiếp tục giảm trong quý 3/2023.
Từ đó, thị trường bị phá vỡ chuỗi tăng 7 tuần liên tiếp, giảm hơn 2% trong tuần qua. Trong tuần này, khả năng Mỹ tăng lãi suất càng làm lu mờ triển vọng nhu cầu dầu, kéo dầu giảm tiếp ngay phiên đầu tuần. Tuy nhiên, thị trường hôm nay (22.8) vẫn đặt dự báo giá dầu khó giảm sâu do nguồn cung tiếp tục bị thắt chặt.
Trong nước, chiều 21.8, liên Bộ Công thương - Tài chính đã điều chỉnh tăng giá xăng dầu các loại (trừ dầu diesel). Cụ thể, xăng tăng từ 517 - 608 đồng/lít, dầu diesel giảm 71 đồng/lít, dầu hỏa tăng 420 đồng/lít và dầu mazut tăng 313 đồng/lít. Sau điều chỉnh, giá xăng dầu bán lẻ ngày 22.8 phổ biến trên thị trường như sau: xăng RON95-III 24.601 đồng/lít, xăng E5 RON92 23.339 đồng/lít, dầu diesel 22.354 đồng/lít, dầu hỏa 22.309 đồng/lít và dầu mazut 17.981 đồng/kg.
Tại kỳ này, cơ quan điều hành không thực hiện chi hay trích lập Quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã có 24 đợt điều chỉnh, trong đó có 14 đợt tăng, 7 đợt giảm và ba đợt giữ nguyên.
Bình luận (0)