Ngày 23.3, dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm nhẹ, giao dịch ở ngưỡng 109 USD/thùng, dầu Brent cũng mất 0,5%, giao dịch dưới ngưỡng 115 USD/thùng. Kết thúc phiên khuya 22.3, giá dầu thô Brent giảm 0,2% xuống 115,48 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI giảm 0,3% xuống 111,76 USD. Phiên trước đó, cả hai loại dầu đã tăng hơn 7% vì khả năng EU ban lệnh cấm dầu mỏ của Nga.
Giá dầu thế giới quay đầu giảm nhẹ 2 hôm nay |
REUTERS |
Tuy nhiên, ngày 22.3, thông tin cho thấy, các ngoại trưởng EU đã có ý kiến trái chiều về lệnh cấm nói trên, trong đó có cả Đức - thuộc tốp quốc gia mua dầu nhiều từ Nga. Trước đó, Ả Rập Xê Út cũng phát tín hiệu khá bất thường khi giá dầu đang ngấp nghé mốc 120 USD/thùng, rằng họ "sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào cho việc thiếu hụt nguồn cung năng lượng và đà tăng của giá dầu trên toàn cầu". Điều này đã "đặt ra một bài toán khác" cho Mỹ và đồng minh khi từ chối nguồn cung từ Nga.
Trên Reuters, các nhà phân tích cho rằng, thị trường dầu có thể sẽ "rõ ràng hơn" khi dữ liệu tồn kho hằng tuần mới nhất của Mỹ được công bố hôm nay (23.3). Các nhà phân tích đang kỳ vọng tồn kho dầu thô tăng nhẹ, sẽ giảm áp lực khan hàng, đẩy giá cao. Ngày 22.3, theo ước tính của Viện Dầu mỏ Mỹ (API), dầu thô có mức giảm bất ngờ trong tuần này là 4,28 triệu thùng, so với dự đoán của các nhà phân tích là tăng 25.000 thùng. Tuy nhiên, một vài nhận xét khác vẫn cho rằng, giá dầu thô sẽ tiếp tục tăng cao như "một hệ lụy tất yếu" từ chiến sự giữa Nga và Ukraine. Đã có cảnh báo giá dầu Brent chuẩn toàn cầu có thể leo lên con số 160 USD, thậm chí lên 200 USD/thùng nếu chiến sự kéo dài và người mua tiếp tục từ chối nguồn dầu mỏ từ Nga.
Trong nước, ngày 23.3, giá bán lẻ xăng dầu cụ thể như sau: xăng E5 RON92 không quá 28.330 đồng/lít; xăng RON95 không quá 29.192 đồng/lít; dầu diesel không quá 23.633 đồng/lít; dầu hỏa không quá 22.245 đồng/lít và dầu mazut không quá 20.423 đồng/kg.
Bình luận (0)