Ngày 23.7, đà tăng của giá dầu chững lại, dầu thô ngọt nhẹ WTI giao dịch ở ngưỡng 71,8 USD/thùng và dầu Brent ở ngưỡng 73,7 USD/thùng. Cả hai hợp đồng này đều tăng hơn 2% kết thúc phiên khuya 22.7. Dầu WTI tiến 1,61 USD (tương đương 2,3%) lên 71,91 USD/thùng, dầu Brent tiến 1,56 USD (tương đương 2,2%) lên 73,79 USD/thùng.
Trên Reuters, Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao của Price Futures Group ở Mỹ nhận xét, nhu cầu tiêu thụ dầu đã không giảm đi mà tăng. Ông nói, những thông tin về nhu cầu giảm đã được phóng đại rất nhiều. Trong khi đó, các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nhà sản xuất khác bao gồm Nga, được gọi chung là OPEC +, đã nhất trí trong tuần này tăng nguồn cung dầu thêm 400.000 thùng/ngày từ tháng 8 đến tháng 12 để hạ nhiệt giá và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Tuy nhiên, do nhu cầu vẫn vượt cung trong nửa cuối năm, Morgan Stanley dự báo dầu Brent chuẩn toàn cầu sẽ giao dịch trong khoảng từ 75 - 79 USD/thùng trong thời gian còn lại của năm 2021.
Trong khi đó, để tránh mua dầu trong giai đoạn giá cao và để kiềm đà tăng của giá dầu, Trung Quốc đưa nguồn dầu dự trữ vào sử dụng. Theo Bloomberg, Trung Quốc sắp tung ra lượng dầu tương đương từ 22 đến hơn 29 triệu thùng cho các nhà máy lọc dầu từ đầu tháng này, tức là từ 3 đến 4 triệu tấn. Như vậy, dầu thô từ kho dự trữ chiến lược được cung cấp cho các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc sẽ thay thế một phần lượng dầu nhập khẩu của nhà nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới. Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đã giảm xuống còn khoảng 9,77 triệu thùng/ngày trong tháng 6, giảm 2% so với tháng 5 và là mức thấp nhất hằng tháng kể từ đầu năm đến nay. Trong nửa đầu năm, Trung Quốc đã nhập khẩu 260,66 triệu tấn dầu thô, tương đương 10,51 triệu thùng/ngày, theo ước tính của Reuters, con số này giảm 3% so với nửa đầu năm 2020.
Trong nước, giá bán lẻ xăng dầu trên thị trường ngày 23.7 với xăng E5 RON92 là 20.610 đồng/lít, xăng RON95 21.783 đồng/lít, dầu diesel 16.537 đồng/lít, dầu hỏa 15.503 đồng/lít, dầu mazut 15.670 đồng/kg.
Bình luận (0)