Ngày 2.7, giá xăng dầu đồng loạt tăng, giá dầu Brent tăng 1,6 USD, tương đương 1,9%, lên 86,6 USD/thùng. Đây cũng là mức đóng cửa cao nhất của giá dầu chuẩn toàn cầu này tính từ ngày 30.4. Tương tự, giá dầu WTI của Mỹ cũng tăng 1,84 USD, tương đương 2,3%, lên 83,38 USD/thùng - mức cao nhất trong 9 tuần qua.
Theo các nhà phân tích tại Công ty tư vấn năng lượng Ritterbusch and Associates, giá dầu tăng do căng thẳng giữa Israel và Hezbollah leo thang, mức phí bảo hiểm rủi ro địa chính trị ngày càng cao. Các phân tích cho rằng, dường như 2 bên đang tiến gần hơn một cuộc xung đột toàn diện, điều này dẫn đến nguy cơ kéo theo sự tham gia của Iran. Trong khi Iran là thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Đến nay, OPEC và các đồng minh đã gia hạn hầu hết các đợt cắt giảm sản lượng dầu đến năm 2025. Việc cắt giảm này trong bối cảnh xung đột lan rộng, khiến các nhà phân tích dự báo tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong quý 3 có thể xảy ra.
Trong nước, cập nhật giá xăng dầu thành phẩm tham chiếu từ thị trường Singapore đến sáng nay cho thấy, giá xăng dầu thế giới đang cao hơn giá bán trong nước ước 200 - 400 đồng/lít. Một số nhà phân tích trong nước cho rằng, căng thẳng leo thang ở vùng Biển Đỏ và các cuộc tấn công gần đây vào các tàu đang trên đường đến châu Á, sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung thành phẩm tại thị trường châu Á trong 2 tuần tới. Kết quả phiên giao dịch của thế giới trong hôm nay và ngày mai có thể tác động đến giá xăng dầu trong nước tại kỳ điều chỉnh ngày 4.7 tới.
Tại lần điều chỉnh gần đây nhất (27.6), cả xăng và dầu trong nước đồng loạt tăng lần thứ 3 liên tiếp. Mức tăng từ 220 - 550 đồng/lít/kg.
Bình luận (0)