Ngày 31.10, giá xăng dầu quay đầu tăng hơn 2%, giá dầu Brent tăng 1,43 USD, tương đương 2,01%, lên 72,55 USD/thùng; trong khi giá dầu WTI tăng 1,4 USD, tương đương 2,08%, lên 68,61 USD/thùng.
Theo Reuters, có 2 thông tin đang hỗ trợ giá dầu thế giới tăng, đó là dữ liệu từ Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, tồn kho xăng và dầu của Mỹ giảm lần lượt 2,7 triệu thùng và 500.000 thùng do nhu cầu tiêu thụ tăng và lượng nhập khẩu giảm. Tồn kho xăng của Mỹ đang ở mức thấp nhất trong vòng 2 năm. Còn lượng dầu thô nhập khẩu của Mỹ từ Ả Rập Xê Út đã giảm còn 13.000 thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021. Cũng theo EIA, nhập khẩu dầu thô của Mỹ từ Canada, Iraq, Colombia, Brazil cũng giảm mạnh.
Đáng lưu ý, sau thông tin tồn kho xăng dầu tại Mỹ giảm mạnh, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) cũng có thông tin có thể trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng dầu vào tháng 12 tới. Lý do lo ngại về nhu cầu dầu yếu tại Trung Quốc và nguồn cung tăng. Trước đó, OPEC+ dự kiến sẽ tăng sản lượng thêm 180.000 thùng/ngày vào tháng 12. Đến nay, OPEC+ đã cắt giảm sản lượng 5,86 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 5,7% nhu cầu dầu toàn cầu. Dự kiến quyết định hoãn tăng sản lượng của OPEC+ có thể được đưa ra sớm nhất vào tuần tới.
Trước diễn biến tăng giảm liên tục giá dầu thế giới, một số thương nhân đầu mối dự báo, chiều nay giá bán lẻ xăng dầu trong nước được điều chỉnh trái chiều theo hướng xăng giảm, dầu tăng. Cụ thể, giá xăng trong nước có thể kéo dài đà giảm thêm khoảng 270 - 390 đồng/lít, giá dầu sẽ tăng nhẹ dưới 100 đồng/lít/kg.
Nếu đúng như dự báo, giá xăng sẽ xác lập hat-trick giảm 3 lần liên tiếp.
Bình luận (0)