Ghi nhận giá xăng dầu vào đầu giờ sáng 31.3, dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6 đứng ở mức 74,47 USD/thùng, tăng hơn 1,4 USD; dầu Brent giao tháng 6 cũng đứng ở mức 78,53 USD/thùng, tăng hơn 1 USD. Như vậy, cả hai loại dầu đồng loạt tăng 1,3 - 2% sau một đêm.
Các phân tích cho rằng, giá xăng dầu hôm nay tăng mạnh chủ yếu do lo ngại nguồn cung từ Iraq và Nga giảm, dự trữ dầu thô của Mỹ cũng giảm mạnh. Bên cạnh đó, đồng USD lao dốc khi thị trường đặt cược vào việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ nguyên mức lãi suất vào tháng 5 và có kế hoạch hạ nhiệt lãi suất từ tháng 6.
Giá dầu có thể tiếp tục biến động trong thời gian tới, song theo các nhà phân tích của Ngân hàng đầu tư UBS, thị trường vẫn kỳ vọng vào nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc tăng và sản lượng của Nga giảm sẽ hỗ trợ giá trong các quý tới. PetroChina cho biết mức tiêu thụ nhiên liệu tinh chế của Trung Quốc trong năm nay có khả năng tăng 3% so với mức trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Nếu mọi việc diễn ra như mong đợi, các phân tích cho rằng, có thể sẽ không xảy ra suy thoái và giá dầu dao động quanh mức 75 - 85 USD/thùng trong những tháng tới.
Trong nước, đến chiều tối qua (30.3), thông tin từ các doanh nghiệp xăng dầu là đại lý của Petrolimex cho biết, chiết khấu bán lẻ của doanh nghiệp đầu mối đưa về đại lý chỉ còn 200 - 300 đồng/lít. Chiết khấu từ đầu mối về cho thương nhân phân phối, lấy hàng tại kho khu vực phía nam dao động từ 600 - 1.100 đồng/lít.
Theo quy định, ngày mai (1.4) sẽ đến kỳ điều hành giá mới, nhưng do rơi vào ngày nghỉ cuối tuần, dự kiến, cơ quan điều hành có thể dời ngày điều chỉnh giá sang đầu tuần (3.4). Các dự báo giá bán lẻ tại kỳ điều hành tới đến thời điểm này là xăng tăng, dầu giảm.
Tại thị trường trong nước, giá xăng dầu hôm nay (31.3) được niêm phổ biến trên thị trường như sau: xăng E5 RON 92 22.022 đồng/lít; xăng RON 95-III 23.038 đồng/lít; dầu diesel 19.302 đồng/lít; dầu hỏa 19.462 đồng/lít và dầu mazut 14.479 đồng/kg.
Bình luận (0)