Theo quy định hiện hành, việc thu hồi giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu (Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu) được Bộ Công thương thực hiện khi doanh nghiệp vi phạm một trong số các lỗi: Thương nhân không hoạt động kinh doanh xăng dầu trong thời gian một quý trở lên; không đủ tổng nguồn tối thiểu được Bộ giao trong hai năm liên tiếp; không dự trữ xăng dầu theo đúng quy định, vi phạm nhiều lần quy định về bảo đảm chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường…
Bộ Công thương nhận định, đây là những lỗi doanh nghiệp rất hay mắc phải trong quá trình kinh doanh, nhưng nếu ở mức độ nhẹ, không thường xuyên và kéo dài thì về cơ bản không ảnh hưởng đến thị trường và gây hậu quả. Nếu vì các lỗi trên mà thu hồi giấy phép có thể dẫn đến những hệ lụy rất lớn cho thị trường về việc đứt gãy nguồn cung ở một số khu vực. Do đó, Bộ Công thương đề xuất sửa đổi theo hướng nếu doanh nghiệp có vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong 2 lần đầu, lần 3 mới thu hồi giấy phép hoạt động.
Song song đó, Bộ Công thương cũng đề xuất xem xét loại bỏ loại hình thương nhân là tổng đại lý kinh doanh xăng dầu trong hệ thống phân phối xăng dầu, do vai trò của tổng đại lý không nhiều và tạo thêm một nấc trung gian.
Trong khi đó, dữ liệu về giá nhập khẩu xăng dầu tính hết ngày 2.2 cho thấy, giá các mặt hàng đồng loạt giảm nhẹ, từ 180 - 690 đồng/lít.
Ngày 3.2, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu của Petrolimex công bố như sau: xăng RON 95-V 24.000 đồng/lít, xăng RONM-III 23.140 đồng/lít, xăng E5 RON92 22.320 đồng/lít, dầu diesel từ 22.520 - 24.280 đồng/lít, dầu hỏa 22.570 đồng/lít, dầu mazut 15.890 đồng/kg. Cũng theo bảng giá này, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu của Petrolimex tại các thị trường thuộc vùng 2 (48 tỉnh thành) cao hơn giá vùng 1 khoảng 500 đồng mỗi lít.
Trên thế giới, ngày 3.2, giá dầu Brent tiếp đà giảm, xuống mức 82,17 USD/thùng; dầu WTI của Mỹ giảm, giao dịch ngưỡng 76 USD/thùng.
Theo dữ liệu mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ, đơn đặt hàng thiết bị công nghiệp và máy móc giảm, dấy lên lo ngại nền kinh tế Mỹ vẫn đang chậm lại, đặc biệt là ngành công nghiệp. Điều này gây bất lợi cho xăng dầu. Các nhà phân tích tỏ ra hoài nghi về khả năng phục hồi nhu cầu sau quá trình chuyển đổi chính sách phòng chống Covid tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, đà giảm của giá dầu hôm nay bị kìm lại một phần bởi lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) đối với các sản phẩm tinh chế của Nga sẽ có hiệu lực vào ngày 5.2 tới. Theo chuyên gia, động thái này có khả năng giáng một đòn mạnh vào nguồn cung toàn cầu trong vài ngày tới.
Bình luận (0)