Ngày 3.3, đà tăng của cả 2 loại dầu trên thế giới đều chững lại. Cụ thể, dầu WTI của Mỹ lúc đầu giờ sáng nay (theo giờ Việt Nam) mất 21 cent, về 77,95 USD/thùng, dầu Brent mất 22 cent về 84,75 USD.
Giá dầu hôm nay có xu hướng giảm nhẹ trong bối cảnh nhiều quan chức của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) lên tiếng ủng hộ việc tiếp tục tăng lãi suất và duy trì lãi suất cao đến năm 2024. Trên Reuters, các chuyên gia kinh tế Mỹ cho rằng, việc lãi suất thắt chặt hơn sẽ tác động đến nền kinh tế, từ đó khiến cán cân cung - cầu cân bằng hơn, giúp kéo lạm phát đi xuống. Không chỉ Fed, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng được dự báo sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách tháng 3 này. Thông tin giá tiêu dùng tại Pháp, Tây Ban Nha, Đức... đang tăng nhanh hơn dự kiến, đã kìm hãm đà tăng của giá dầu.
Ngoài ra, giá dầu hôm nay giảm còn do áp lực thông tin dự trữ dầu thô Mỹ tăng tuần thứ 10 liên tiếp. Tuy nhiên, các phân tích vẫn cho rằng, đà giảm giá sẽ được "ngăn chặn" bởi dấu hiệu phục hồi tích cực từ Trung Quốc. Theo Reuters, nhập khẩu dầu Nga bằng đường biển của Trung Quốc sẽ đạt mức cao kỷ lục trong tháng này do các nhà máy lọc dầu tận dụng lợi thế giá rẻ.
Trong nước, cập nhật thông tin chiết khấu từ các kho khu vực phía bắc cho thấy, mức chiết khấu cho đại lý bán lẻ đã giảm nhẹ. Ngày 3.3, chiết khấu mặt hàng dầu diesel tại kho tỉnh Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Phòng... 700 đồng/lít, xăng 900 - 950 đồng/lít. Ở phía nam, mức chiết khấu cho xăng dầu từ các kho trung chuyển chỉ từ 600 - 800 đồng/lít.
Ngày 3.3, theo giá điều hành của liên Bộ Công thương - Tài chính ngày 1.3 vừa qua, giá các mặt hàng xăng dầu phổ biến như sau: xăng E5 RON 92 không cao hơn 22.421 đồng/lít; xăng RON 95 không cao hơn 23.325 đồng/lít; dầu diesel không cao hơn 20.255 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 20.474 đồng/lít; dầu mazut không cao hơn 14.555 đồng/kg.
Bình luận (0)