Ngày 3.9, giá xăng dầu kết thúc tuần tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 2 tuần giảm giá liên tiếp. Theo đó, giá dầu Brent tăng gần 5%, dầu WTI tăng vọt tới 7,2% cả tuần.
Lo ngại nguồn cung thắt chặt, dự trữ dầu của Mỹ giảm khủng, đồng USD trượt giá là những yếu tố chính đẩy giá dầu tuần này leo dốc cả 4/5 phiên trong tuần. Tồn kho dầu thô của Mỹ giảm sốc gấp 3 lần so dự báo của các nhà phân tích trên Reuters, tồn kho thương mại cũng giảm được đánh giá dấu hiệu nhu cầu tăng trở lại. Tại thị trường nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, Trung Quốc có một số động thái về chính sách nhằm kích thích nhu cầu tiêu thụ. Bên cạnh đó, nguồn cung từ các nhà cung cấp lớn lại giảm mạnh, kéo dài sang tháng 10, hỗ trợ mạnh mẽ cho giá dầu tuần này.
Một cuộc khảo sát của Reuters với 37 nhà kinh tế và phân tích mới đây cho thấy, dự báo giá dầu Brent chuẩn toàn cầu sẽ đạt mức trung bình 82,45 USD/thùng vào năm nay, tăng so với mức đồng thuận 81,95 USD/thùng vào tháng 7. Hiện giá dầu Brent đang ở mức trung bình 80,6 USD/thùng; dầu WTI 77,83 USD/thùng, cao hơn mức dự báo tháng 7 là 77,2 USD/thùng. Reuters tính toán dựa trên các số liệu, dự báo giá dầu sẽ tăng thêm hơn 6 USD mỗi thùng vào tháng 10 tới.
Trong nước, sáng 3.9, thương nhân phân phối thông báo chiết khấu bán lẻ xăng dầu giảm, dao động trong khoảng 800 - 1.050 đồng/lít, lấy hàng tại kho khu vực phía bắc. Trong những ngày qua, chiết khấu bán lẻ xăng dầu liên tục giảm trước dự báo giá xăng dầu sẽ tăng tiếp tại kỳ điều hành giá ngày 5.9 tới. Dựa vào giá nhập khẩu đến ngày 31.8, một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu dự báo giá xăng dầu trong nước sẽ tăng trong khoảng 100 - 350 đồng/lít, chưa bao gồm Quỹ bình ổn giá xăng dầu và các loại phí khác, nếu có thay đổi.
Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 3.9
Ngày 3.9, giá xăng dầu trong nước được niêm yết phổ biến như sau: xăng E5 RON92 không cao hơn 23.339 đồng/lít; xăng RON 95-III không cao hơn 24.601 đồng/lít; dầu diesel không cao hơn 22.354 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 22.309 đồng/lít và dầu mazut không cao hơn 17.981 đồng/kg.
Bình luận (0)