Cụ thể, Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa có văn bản yêu cầu các Bộ liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiên cứu vấn đề quản lý điều hành giá. Trong đó, yêu cầu Bộ Tài chính tăng cường quản lý kê khai giá, đặc biệt là việc theo dõi, cập nhật thông tin giá cước vận tải, giá xăng dầu. Bộ GTVT tăng cường kiểm tra, rà soát giá dịch vụ của các loại hình vận tải (đường bộ, đường biển, hàng không) và giá cước vận tải biển quốc tế, nội địa; trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời...
Xăng giảm hơn 30% trong gần 4 tháng qua |
NHẬT THỊNH |
Sau khi lập kỷ lục vào ngày 21.6, giá xăng dầu liên tục giảm mạnh trong thời gian qua, xăng RON 95-III từ mức 32.870 đồng/lít nay giảm 11.400 đồng xuống còn 21.443 đồng, xăng E5 giảm 10.500 đồng, dầu diesel cũng giảm hơn 30%. Tuy nhiên, giá cước vận tải và giá hàng hóa đến nay chưa được điều chỉnh giảm theo giá xăng.
Trên thế giới, giá dầu thô sau khi tăng vọt gần 3 USD vào phiên trước, sáng nay giảm nhẹ nhưng dầu Brent chuẩn toàn cầu vẫn neo trên mốc 91 USD/thùng. Lúc 7 giờ 30 sáng 5.10, dầu thô ngọt nhẹ WTI lùi 20 cent giao dịch ngưỡng 86,32 USD/thùng, dầu Brent mất 15 cent về 91,65 USD/thùng. Kết thúc phiên khuya 4.10, giá dầu thô Brent tăng 2,94% lên 91,8 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI của Mỹ tăng 3,5% lên 86,52 USD.
Thị trường đang ngóng chờ tin về sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) được quyết vào cuộc họp hôm nay (5.10). Các hãng tin dự báo OPEC+ có thể cắt từ 1- 2 triệu thùng mỗi ngày. Chưa rõ chính xác bao nhiêu, song theo các nhà phân tích, sẽ có đợt cắt giảm sản lượng do OPEC+ muốn kiểm soát và giữ giá dầu để không giảm mạnh.
Nếu quyết định này được công bố chính thức, đây sẽ là mức cắt giảm mạnh nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát khiến giá dầu thô sụt giảm. Hiện Mỹ đang kêu gọi OPEC+ không nên cắt giảm sản lượng dầu bởi điều này sẽ dẫn đến việc giá dầu tăng cao trở lại. Ngân hàng Goldman Sachs cho rằng, việc giảm mục tiêu sản lượng của OPEC+ có thể coi là động thái ngăn chặn đà giảm của giá dầu trong thời gian gần đây.
Giá dầu thô thế giới đã tăng lên gần 140 USD/thùng vào tháng 3 năm nay sau khi xảy ra xung đột ở Ukraine và đã giảm sau đó xuống còn khoảng 80 USD/thùng do lo ngại suy thoái kinh tế. Trong những tháng gần đây, OPEC+ cũng không đạt được mức tăng sản lượng theo kế hoạch, thiếu khoảng 3,6 triệu thùng/ngày trong tháng 8.
Bình luận (0)