Ngày 6.7, dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ vọt tăng hơn 2% trong phiên lên 76,7 USD/thùng, dầu Brent chuẩn toàn cầu vọt 0,5%, lên 77,55 USD/thùng.
Giá dầu thô tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 5.7, sau khi các thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) dừng cuộc đàm phán về sản lượng và không đưa ra bất kỳ thỏa thuận thúc đẩy sản xuất nào như một số kế hoạch trước đó.
Theo Reuters, các bộ trưởng OPEC+ đã từ bỏ các cuộc đàm phán và không ấn định ngày để nối lại cuộc họp, sau khi xung đột vào cuối tuần trước với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) từ chối đề xuất gia hạn 8 tháng đối với việc hạn chế sản lượng.
Năm 2020, OPEC+ đã nhất trí về việc giảm sản lượng kỷ lục nhằm đối phó với sự sụt giảm nghiêm trọng về giá do dịch Covid-19 gây ra. Các nhà sản xuất đã dần nới lỏng hạn chế về sản lượng sau cuộc họp đầu tháng 4, tăng sản lượng từ tháng 5-7. Và cuộc họp tiếp theo cũng dự kiến bàn chuyện tiếp tục tăng sản lượng từ đầu tháng 8, đã diễn ra vào cuối tuần trước, kế hoạch nâng sản lượng lên khoảng 2 triệu thùng mỗi ngày từ tháng 8 - 12 năm nay, tiếp tục gia hạn thỏa thuận giảm sản lượng dần dần đến cuối năm 2022. Tuy nhiên, UAE đã phản đối kịch liệt và cuộc họp dự kiến dời sang hôm qua (5.7), cuối cùng vẫn không thực hiện được.
Ngay sau khi UAE phản ứng, các nhà phân tích e ngại nếu UAE rút khỏi OPEC, cuộc chiến giá dầu rất có thể sẽ xảy ra. Theo ING Economics, việc OPEC+ không đạt được thỏa thuận có thể khiến giá dầu tăng nhẹ nhưng cho rằng nó cũng có thể báo hiệu khởi đầu của sự kết thúc cho thỏa thuận lớn hơn, dẫn tới nguy cơ các thành viên bắt đầu tăng sản lượng.
Ở trong nước, ngày 6.7, giá xăng dầu bán lẻ phổ biến ở mức sau: xăng E5 RON92 19.760 đồng/lít; xăng RON95 20.916 đồng/lít; dầu diesel 16.119 đồng/lít; dầu hỏa 15.051 đồng/lít và dầu mazut 15.449 đồng/kg.
Bình luận (0)