Theo diễn tiến giá nhập khẩu, nhiều dự báo cho rằng giá xăng dầu sẽ tăng đến 1.000 đồng/lít vào kỳ điều chỉnh này, cắt đứt chuỗi giảm giá 8 kỳ từ đầu năm đến nay. Hiện tại, giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON92 là 10.942 đồng/lít và xăng RON 95 là 11.631 đồng/lít.
Trên thế giới, giá dầu thô giảm nhẹ hơn 1% vào đầu giờ sáng nay sau khi tăng gần 7% kết thúc phiên trước. Giá dầu WTI hiện đã giao dịch trên ngưỡng 25 USD/thùng, dầu Brent vẫn dưới ngưỡng 30 USD/thùng.Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6 đầu ngày hôm nay (13.5, giờ Việt Nam) điều chỉnh giảm 0,37 USD, tương đương 1,44%, còn 25,37 USD/thùng; hợp đồng giao tháng 7 mất 0,4 USD, về 25,93 USD/thùng; giao tháng 8 mất 0,46 USD còn 26,97 USD/thùng. Dầu Brent giao tháng 7 mất 0,42 USD, tương đương 1,47% còn 29,54 USD/thùng; hợp đồng giao tháng 8 mất 0,39 USD về 30,42 USD/thùng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba (12.3), hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6 trên sàn Nymex vọt thêm 1,64 USD, tương đương 6,8%, lên 25,78 USD/thùng. Theo dữ liệu từ Dow Jones Market, đây cũng là mức đóng cửa cao nhất trong vòng 5 tuần qua (ngày 6.4). Hợp đồng dầu Brent giao tháng nhích thêm 0,35 USD, tương đương 1,2%, lên 29,98 USD/thùng.
Thực tế, sau khi các quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn tiến hành giảm sản lượng khai thác, giá nhiên liệu đã có xu hướng tăng trở lại. Việc cắt giảm sản lượng lịch sử xuống 9,7 triệu thùng/ngày kể từ ngày 1.5 đã được Tổ chức các quốc gia sản xuất đầu mỏ và các nước đồng minh (OPEC+) cam kết trước đó nhằm cứu giá dầu thế giới. Công ty dịch vụ năng lượng Mỹ Baker Hughes cho biết, Mỹ đã tạm ngừng 33 giàn khoan, đẩy số giàn đang hoạt động xuống còn 292 giàn. Trong lịch sử, số giàn khoan hoạt động tại Mỹ chưa bao giờ xuống dưới 300 kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008 - 2009. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo sản lượng dầu thô nội địa đạt bình quân 11,7 triệu thùng/ngày, giảm 500.000 thùng/ngày so với năm 2019. Giá dầu thô giao sau của Mỹ đã giảm đến 60% từ đầu năm đến nay.
Theo Reuters, Bộ trưởng Năng lượng của Ả Rập Xê Út đã yêu cầu Tập đoàn dầu mỏ Saudi Aramco – nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, tự nguyện cắt giảm thêm khoảng 1 triệu thùng/ngày từ tháng 6 tới. Như vậy, loạt các nước trong OPEC+ đều có động thái giảm mạnh sản lượng dầu khai thác. Nga giảm sản lượng dầu khí từ 11,25 triệu thùng/ngày xuống 9,45 triệu thùng/ngày; sau Ả Rập Xê Út, Kuwait và các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng cho biết sẽ cắt giảm lần lượt thêm 80.000 thùng và 100.000 thùng/ngày trong tháng 6 tới.
Ngày 12.5, Saudi Aramco cũng thông báo lợi nhuận kinh doanh trong quý đầu tiên của năm giảm tới 25%, lãi ròng giảm khoảng 16,66 tỉ USD. Giám đốc điều hành của Saudi Aramco, ông Amin Nasser thừa nhận cuộc khủng hoảng từ Covid-19 không giống với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào mà thế giới từng trải qua trong lịch sử gần đây. Nhu cầu năng lượng toàn cầu sụt giảm đã hủy hoại những thành quả của công ty.
Bình luận (0)