Giá dầu thế giới đầu giờ sáng nay (21.8, theo giờ Việt Nam) tăng giảm trái chiều, dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tiếp tục giảm, còn dầu Brent tăng nhẹ. Cụ thể, dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9 lùi 31 cent, tương đương 0,72%, về 42,62 USD/thùng; dầu Brent giao tháng 10 tiến 9 cent, tương đương 0,2%, lên 44,99 USD/thùng. Kết thúc phiên 20.8, cả hai hợp đồng dầu đều giảm 0,7 - 1%.
Như vậy, cho dù có diễn ra cuộc họp quan trọng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) ngày 19.8, niềm tin của nhà đầu tư vẫn bị lung lay bởi triển vọng nhu cầu dầu thế giới còn thấp. Thị trường năng lượng được coi là một phong vũ biểu tốt cho nhu cầu toàn cầu và các nhà kinh doanh thường tỏ ra ít lạc quan hơn về tình hình nền kinh tế toàn cầu khi thấy nhu cầu dầu sụt giảm.
Tại cuộc họp của Ủy ban giám sát bộ trưởng OPEC+ ngày 19.8, Bộ trưởng Nga Alexandre Novak nhấn mạnh sự “mong manh” của thị trường và những bất ổn đang xoay quanh nhu cầu vàng đen thế giới. Thế nên, 13 quốc gia thành viên của OPEC và 10 nước sản xuất đồng minh phải có nghĩa vụ cắt giảm sản lượng, vốn đã đạt 95% trong tháng 7 vừa qua. Ông Alexandre Novak yêu cầu việc cắt giảm sản lượng này không nên “dừng lại ở đó” mà các nước cần tiếp tục tôn trọng tuyệt đối thỏa thuận. Đồng quan điểm, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út, ông Abdel Aziz bin Salman, cũng nhận định thị trường trong 3 tháng qua có “cải thiện đáng kể” nhờ sự phục hồi nhu cầu năng lượng khi các hoạt động kinh tế tiếp tục mở cửa trở lại tại nhiều nước trên thế giới. Ông Abdel Aziz bin Salman đề nghị những nước chưa thực hiện đúng yêu cầu cắt giảm phải có các khoản cắt giảm bù đắp mà ông hy vọng họ sẽ đạt được vào cuối tháng 9 tới và hy vọng nhu cầu dầu mỏ có thể phục hồi ở mức 97% vào cuối năm nay.
Ở trong nước, theo bảng giá bán lẻ xăng dầu của Petrolimex ngày 21.8, xăng E5 RON92 giá 14.409 đồng/lít; xăng RON95 14.922 đồng/lít; dầu diesel 12.201 đồng/lít; dầu hỏa 10.207 đồng/lít; giá dầu mazut 11.183 đồng/kg.
Bình luận (0)