Giá xăng dầu ngày 24.7: Rung lắc vì Covid-19

24/07/2020 10:16 GMT+7

Giiá dầu thô thế giới đầu giờ sáng nay nhích nhẹ trong bối cảnh tồn kho tăng và nhu cầu tiêu thụ xăng dầu sụt giảm trầm trọng.

Ngày 24.7, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI hợp đồng giao tháng 9 nhích thêm 12 cent, tương đương 0,29%, lên 41,19 USD/thùng. Kết thúc phiên ngày 23.7, hợp đồng dầu này đã lùi 83 cent (2%) xuống 41,07 USD/thùng. Dầu Brent giao tháng 9 sáng nay cũng nhích 12 cent, tương đương 0,28%, lên 43,43 USD/thùng. Thế nhưng kết thúc phiên giao dịch trước, hợp đồng dầu Brent tháng 9 đã mất 98 cent (2,2%), về 43,31 USD/thùng.
Báo cáo từ Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, nhu cầu xăng thành phẩm giảm 98.000 thùng/ngày xuống còn 8,55 triệu thùng/ngày trong tuần trước. Nhu cầu dầu nhiên liệu chưng cất sụt 470.000 thùng/ngày xuống còn 3,22 triệu thùng/ngày. Trên MarketWatch, ông Robbie Fraser - chuyên gia phân tích hàng hóa cấp cao tại Schneider Electric cho rằng, đà sụt giảm nhiên liệu liên quan đến những lo ngại lớn hơn về sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ cùng với những rào cản kinh tế có thể xảy ra trong tương lai.
Một số báo cáo gần đây cho thấy, doanh thu từ dầu của các nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới như Ả Rập Xê Út giảm thê thảm, thu nhập từ xuất khẩu dầu của quốc gia này giảm đến 65% theo cập nhật từ Tổng cục Thống kê của Ả Rập Xê Út ngày hôm qua (23.7). Kim ngạch xuất khẩu dầu của nước này đã giảm 11,8 tỉ USD, tương đương 65% so với tháng 5 năm ngoái. Đầu tháng 7, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, giá giảm và cắt giảm sản lượng sẽ tác động mạnh đến các nhà xuất khẩu dầu mỏ ở Trung Đông và Bắc Phi. Theo đó, tổng thu nhập từ dầu của những quốc gia này dự kiến sẽ giảm 270 tỉ USD trong năm nay so với năm 2019, trong đó có Ả Rập Xê Út - quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn của thế giới. Theo dữ liệu vừa được công bố trong đánh giá thống kê hàng năm về thị trường năng lượng thế giới của công ty dầu khí BP (Anh), hơn 50% số dầu được giao dịch trên thị trường quốc tế mỗi ngày hiện được tiêu thụ ở châu Á. Hầu hết lượng dầu xuất khẩu của thế giới đến từ Trung Đông, nơi rủi ro xung đột vẫn còn cao trong khi phần lớn lượng dầu nhập khẩu của châu Á đều đi qua eo biển Hormuz - “điểm nóng” về tình hình an ninh của khu vực Trung Đông.
Bloomberg đánh giá, thời kỳ nguồn cung dầu dồi dào hiện nay có thể sẽ không kéo dài. Trong thập niên qua, nhu cầu dầu trên toàn khu vực châu Á đã tăng gần 40% và dầu nhập khẩu đã tăng hơn 60% tại các nền kinh tế như Ấn Độ và Việt Nam. Các công ty dầu mỏ lớn đã rút hàng tỉ USD khỏi những kế hoạch đầu tư tại khu vực châu Á. Trong khi đó, nhu cầu lại tăng. Nhập khẩu dầu của Trung Quốc đã tăng từ 5 triệu thùng/ngày trong năm 2009 lên gần 12 triệu thùng/ngày trong năm 2019. Và trong đợt dịch Covid-19 này, 5 tháng đầu năm, Trung Quốc nhập khẩu trở lại 11 triệu thùng/ngày.
Ở trong nước, báo cáo kinh doanh 6 tháng đầu năm vừa được công bố của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN) cho thấy, tuy tháng 6 đã có lãi trở lại, nhưng lũy kế nửa đầu năm, doanh nghiệp này lỗ ròng hơn 4.200 tỉ đồng. Công ty Bình Sơn được giao trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quốc ở Quảng Ngãi, cung ứng 30% nhu cầu năng lượng của cả nước. Trong quý 2 năm nay, doanh thu thuần của doanh nghiệp này giảm 50% so cùng kỳ.
Theo bảng giá bán lẻ xăng dầu Petrolimex ngày 24.7, giá xăng RON95 từ 14.970 đồng/lít; xăng E5 RON92 từ 11.250 đồng/lít; dầu diesel từ 12.110 đồng/lít; dầu hỏa từ 10.030 đồng/lít.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.