Giá xăng dầu ngày 3.8.2020: Giảm mạnh ngày đầu tuần

03/08/2020 09:01 GMT+7

Đầu giờ sáng nay (3.8, theo giờ Việt Nam), các hợp đồng dầu thô thế giới đồng loạt điều chỉnh giảm, mất hơn 0,5%.

Theo đó, dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9 mất 25 cent, tương đương 0,62%, về 40,02 USD/thùng. Dầu Brent cũng lùi 21 cent, tương đương 0,48%, xuống 43,42 USD/thùng.
Thị trường dầu mỏ thế giới có nhiều phiên trồi sụt trong suốt tuần qua, khi những nỗ lực khôi phục kinh tế của các nước lại bị đẩy lùi do diễn biến khó lường từ đại dịch Covid-19, số ca nhiễm mới tiếp tục tăng cao. Ngoài ra, đồng USD suy yếu giúp thị trường nhiên liệu hấp dẫn hơn, giữ giá dầu không bị lao dốc và kết thúc tuần tăng 2,6% với dầu WTI và tăng 5% với dầu Brent. Tuy nhiên, trên MarketWatch, giới kinh doanh tiếp tục lo ngại về triển vọng nhu cầu năng lượng khiến ngay đầu tuần, giá dầu tiếp tục lao dốc.
Theo báo cáo hôm thứ Sáu (31.7) của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ, sản lượng dầu thô của Mỹ lao dốc (16,6%) trong tháng 5, giảm kỷ lục 2 triệu thùng/ngày xuống còn 10 triệu thùng/ngày. Cùng thời điểm, Nga cũng giảm sản lượng khai thác về 9,4 triệu thùng/ngày. Báo cáo của OPEC vào cuối tháng 7 cho thấy, Ả Rập Xê Út cũng giảm 27% sản lượng trong tháng 5, xuống mức 8,48 triệu thùng/ngày. Từ tháng 8 này, thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu giữa Nga, các nước đồng minh và các nước trong tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (gọi chung là OPEC+) đã hết hạn cắt giảm. Theo thỏa thuận, Nga đã cắt giảm 8,5 triệu thùng/ngày trong giai đoạn tháng 5 - 7.2020. Tuy nhiên, hãng tin Interfax dẫn số liệu chính thức lại cho rằng, sản lượng dầu của Nga đã tăng lên 9,37 triệu thùng/ngày vào tháng 7 và tháng 6 cũng ở mức 9,32 triệu thùng/ngày. Điều này cho thấy, Nga đã không cắt giảm sản lượng đúng như cam kết trước đó và nhiều dự báo trên MarketWatch cho thấy, việc nới lỏng sản lượng trong tháng 8 này của OPEC+ như dự tính hoàn toàn có thể xảy ra, bất chấp tình trạng bất ổn vì Covid-19 chưa chấm dứt.
Trong tuần qua, việc các nước giàu có vội vã chốt thỏa thuận hơn 1,3 tỉ liều vắc xin ngừa Covid-19 dù chưa biết những vắc xin này có hiệu quả hay không lại thổi làn gió nhẹ lạc quan lên kinh tế toàn cầu. Theo Bloomberg, Chính phủ Mỹ và Anh đã có thỏa thuận trước về nguồn cung vắc xin từ Sanofi và đối tác GlaxoSmithKline, Nhật Bản cũng có thỏa thuận với hãng dược Pfizer là những động thái mới nhất trong chuỗi các thỏa thuận về vắc xin. Ngoài ra, EU cũng quyết liệt tìm nguồn vắc xin, ngay cả khi chưa biết vắc xin có hiệu quả hay không. Khả năng những nước giàu sẽ dẫn đầu bảng và chi phối nguồn vắc xin, nếu có.
Tại thị trường trong nước, giá xăng hôm nay (3.8) theo bảng giá bán lẻ xăng dầu của Petrolimex là xăng E5 RON92 giá 14.409 đồng/lít; xăng RON95 14.973 đồng/lít; dầu diesel 12.397 đồng/lít; dầu hỏa 10.279 đồng/lít.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.