Nhiều ý kiến cho rằng khi giá xăng tăng mạnh thì một cách tự động, tình trạng khan hiếm sẽ biến mất.
Vẫn còn tình trạng “hết hàng”
Sau cuộc họp giữa Bộ Công thương và các địa phương ngày 9.2 với thông điệp “truy đến cùng việc kêu thiếu xăng dầu”, sáng 10.2, ghi nhận của phóng viên Thanh Niên, một số cửa hàng xăng trên địa bàn TP.HCM tạm ngưng bán xăng RON95 do hụt hàng trong các ngày 6 - 8.2 nay đã mở cửa bán bình thường. Cửa hàng xăng dầu Phú Định K26 tại Q.8 sau thời gian kéo rào không bán lẻ cho khách vãng lai nay đã bỏ rào, bán bình thường. Tình trạng tương tự với cửa hàng xăng dầu trên đường Võ Thị Sáu, Q.1. Tuy nhiên, một số cửa hàng treo biển đang sửa chữa vẫn chưa quay lại thị trường như cửa hàng xăng dầu trên đường Lý Thường Kiệt, Q.11, cửa hàng trên đường Nguyễn Chí Thanh, Q.5 chỉ bán dầu và xăng E5 RON92, không còn xăng RON95 để bán…
Cửa hàng xăng dầu tại TP.HCM vẫn đang bán đầy đủ các mặt hàng (hình chụp chiều 10.2) |
Ngọc Dương |
Theo Sở Công thương TP.HCM, đến ngày 10.2, chỉ có 2 cửa hàng trên địa bàn TP tạm ngưng hoạt động với lý do sửa chữa hệ thống phòng cháy chữa cháy và Sở này đang thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu. Còn lại 546 cửa hàng bán lẻ xăng dầu hoạt động bảo đảm cung ứng xăng dầu đầy đủ cho người tiêu dùng.
Tại một số tỉnh phía nam mỗi nơi lại khác khau. Nhiều cửa hàng xăng dầu vẫn tiếp tục ngưng bán hàng. Tại Đồng Nai, các trạm xăng lớn ở TP.Biên Hòa (Đồng Nai) như Trạm xăng dầu số 5, cửa hàng xăng dầu Tín Nghĩa gần cầu Hóa An, cửa hàng Bến Cát… từng treo bảng hết xăng RON95, nay mở phục vụ đủ các mặt hàng xăng dầu, nhưng cửa hàng xăng dầu Tân Hạnh (TP.Biên Hòa) vẫn còn đóng cửa báo hết xăng. Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai, toàn tỉnh có 16 trạm xăng ngưng hoạt động tại thời điểm kiểm tra. Tương tự, tính đến ngày 10.2, gần 60 cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại Bình Dương đóng cửa do không đủ điều kiện để hoạt động bán lẻ, 33 cửa hàng buộc đóng cửa vì… thiếu nguồn nguyên liệu và nhân viên bán hàng. Qua vận động, đến chiều 10.2, vẫn còn 8 cửa hàng xăng dầu ở Bình Dương tạm đóng vì thiếu hàng. Gần 20 cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại Đắk Lắk tạm dừng hoạt động, trong đó, đa số là hết hàng để bán, một số thiếu nhân viên vì bị Covid-19… Cơ quan quản lý thị trường cho biết đa số các cửa hàng tạm ngưng kinh doanh do nguồn hàng tại bồn cạn, không còn xăng để bán, một số do nhân viên bán hàng và cả người quản lý nghỉ Tết Nguyên đán chưa quay lại làm việc…
Ngày 10.2, ông Dương Vũ Nam, Phó giám đốc Sở Công thương Cà Mau, cho biết qua rà soát, trên địa bàn tỉnh có 7 cửa hàng xăng dầu của tư nhân đã dừng hoạt động. Nguyên nhân chủ yếu là thiếu nguồn cung.
Cả 7 cửa hàng này nằm ở địa bàn các huyện, đa số lấy hàng từ nhà phân phối ngoài tỉnh. Hiện, cơ quan chức năng đang kiểm tra các cửa hàng này, nếu có hành vi găm hàng chờ tăng giá thì sẽ xử lý theo quy định. Trong khi đó, ngành chức năng cũng phối hợp với các tỉnh để rà soát các doanh nghiệp đầu mối.
Người chạy xe ôm canh cánh nỗi lo khi xăng lại tăng giá |
Chờ điều chỉnh giá mới bán
Trao đổi với Thanh Niên ngày 10.2, lãnh đạo Tổng công ty Dầu VN (PVOil) cho hay bình thường gần như doanh nghiệp không phải nhập ngoại mà chỉ lấy hàng từ hai nhà máy trong nước. Tuy nhiên, từ đầu năm nay, thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn Dầu khí về “dự phòng” cho tình huống trục trặc của Nhà máy Nghi Sơn, tổng công ty đã tìm nguồn và “nhập cấp tập”, với số lượng chốt đến ngày 20.2 này sẽ về kho tổng cộng là 75.000 m³. Cùng với đó, nhà máy pha chế tại Vũng Tàu của tổng công ty cũng được huy động chạy gần như hết công suất. Vì vậy, rất khó có chuyện các cửa hàng trong hệ thống và bạn hàng lâu năm của doanh nghiệp thiếu hàng.
Chiều 10.2, Sở Công thương TP.HCM ban hành kế hoạch thanh kiểm tra hoạt động của các thương nhân kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TP.HCM năm 2022. Mục đích thanh kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về kinh doanh xăng dầu đối với các thương nhân trong hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TP. Thời hạn kiểm tra là 7 ngày làm việc kể từ ngày công bố quyết định kiểm tra đối với 1 đơn vị. Cùng ngày, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ cũng ban hành Quyết định 23 kiểm tra việc chấp hành pháp luật về kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TP.HCM với sự tham gia của các đại diện Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường và Công an TP.HCM.
Chiều cùng ngày, lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Kiên Giang cho biết, từ ngày 10 - 12.2, Đoàn kiểm tra 398 của tỉnh sẽ đi kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh, phân phối xăng dầu trên toàn tỉnh.
N. Nga – X. Lam
Đại diện Công ty CP Lọc hoá dầu Bình Sơn thì giải thích để bù đắp phần giảm sút công suất của Nhà máy Nghi Sơn, sản lượng bán ra trong tháng 1 của nhà máy Dung Quất lên gần 690.000 m³, trong khi hợp đồng đăng ký chỉ là 630.000 m³.
“Thời tiết trên biển ở miền Trung và miền Nam vừa qua không thuận lợi, biển động, nên các tàu dầu lớn khó tiếp cận, nhưng chúng tôi cũng đã nhập tới 3 tàu dầu để phục vụ cho tăng công suất. Tập đoàn chỉ đạo rất sát sao việc gánh vác cho thị trường nên nói thiếu hàng là không đúng, nhưng rõ ràng có chuyện đại lý không muốn bán ra vì hoa hồng 50 đồng mỗi lít thì không đủ thuê nhân công, khấu hao, hao hụt. Tôi tin sau kỳ điều chỉnh giá ngày 11.2, không còn đại lý nào kêu thiếu”, vị này nói.
Tuy nhiên, vấn đề là xăng dầu không thiếu, nhưng nhà kinh doanh không mặn mà bán ra vì cho biết càng bán càng lỗ bởi giảm chiết khấu quá mạnh. Một thương nhân kinh doanh xăng dầu lớn tại khu vực phía nam nói thẳng, nguồn hàng tại tổng kho thực tế không thiếu, tuy nhiên, giá xăng dầu bán lẻ trong nước so với giá nhập vào đang âm từ 200 - 300 đồng/lít nên nhà cung ứng cũng không mặn mà bán ra. Vị này phân tích, trước mức chiết khấu cho một lít xăng khoảng 1.200 đồng, trừ chi phí vận tải hết 300 đồng, các chi phí vệ sinh bồn, lương nhân viên, kho bãi… thêm 600 đồng thì một lít xăng, cửa hàng có lãi ít nhất là 300 đồng. Nay, ngay tại đấu mối là thương nhân cung ứng đang bị âm 200 - 300 đồng/lít, nên không thể chiết khấu cho cửa hàng. Vì thế, cửa hàng không lấy hàng về bán, hoặc trích rất thấp họ cũng lỗ. Hiện lượng hàng bán ra chỉ để duy trì cầm cự. Riêng tại doanh nghiệp của vị này, trước cung ứng 10 xe bồn trong một ngày, nay chỉ “cầm cự” 1 - 2 xe.
Ông N.V.Đ, quản lý cửa hàng xăng dầu trên đường Lý Thường Kiệt (Q.Tân Bình), cho hay mức chiết khấu từ đầu mối về cho các cửa hàng trước Tết Nguyên đán chỉ còn 100 - 150 đồng/lít trong khi trước đó khoảng 600 - 1.000 đồng/lít. Hiện tại, một lít xăng RON95 với giá 24.940 đồng bán ra đang âm hơn 650 đồng, một lít xăng E5 RON92 24.060 đồng lỗ hơn 600 đồng.
Vị này dự báo, theo giá xăng dầu nhập khẩu trong thời gian qua, tại kỳ điều chỉnh giá vào chiều nay (11.2) của liên bộ, mức tăng đối với các mặt hàng xăng dầu có thể lên từ 1.000 - 1.300 đồng/lít, hoặc chí ít cũng tăng 800 đồng/lít mới có thể “bù lỗ” cho kỳ tới được. “Thị trường phụ thuộc vào kỳ điều chỉnh giá của Bộ Tài chính - Bộ Công thương trong kỳ tới. Chắc chắn phải điều chỉnh tăng mới khiến thị trường ổn định trở lại”, vị này kết luận.
Bình luận (0)