Giá xăng trong nước giảm có 'độ trễ' so với thế giới?

06/08/2022 06:35 GMT+7

Nếu giá xăng dầu được điều chỉnh theo giá thế giới hằng ngày, xăng trong nước hôm qua (5.8) đáng lẽ đã giảm mạnh về mức 22.000 đồng/lít.

Giá xăng VN thấp hơn nhiều nước

Trong tuần này, giá dầu thô liên tục giảm, dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ có thời điểm rớt xuống 87,55 USD/thùng; dầu thô Brent chuẩn toàn cầu cũng lao dốc mức thấp nhất 93,6 USD/thùng. Giá cả hai loại dầu đã xuống mức thấp nhất trong vòng 6 tháng qua. Mức giảm theo tính toán là có thể đưa giá xăng nhập khẩu về mức 22.000 đồng/lít. Tuy nhiên, theo quy định, giá xăng dầu được điều chỉnh 10 ngày một lần, người tiêu dùng trong nước phải chờ đến 11.8 tới mới có mức giá mới.

Giá xăng trong nước giảm mạnh nhưng chưa đúng đà giảm giá của thế giới

nHẬT THỊNH

Về nhập khẩu, theo dữ liệu từ Bộ Công thương cập nhật đến ngày 4.8, giá xăng RON 95 nhập khẩu (tham khảo thị trường Singapore) là gần 109 USD/thùng, xăng RON 92 về 105 USD/thùng, dầu diesel 128,51 USD/thùng. Cùng thời điểm này 6 tháng trước, ngày 4.2, giá xăng RON 95 theo thị trường Singapore là 107,54 USD/thùng, xăng RON 92 gần 105 USD/thùng, dầu diesel 107,42 USD/thùng. Giá xăng dầu trong nước tính ngày 11.2 cụ thể là: xăng RON 95-III 25.320 đồng/lít, xăng E5 RON 92 là 24.060 đồng/lít, dầu diesel 19.860 đồng/lít. Trong khi đó, giá bán lẻ trong nước hiện tại lần lượt là 25.600 - 26.800 đồng/lít, 24.620 - 25.110 đồng/lít và 23.900 - 26.390 đồng/lít dầu. Nghĩa là đến nay, giá dầu nhập khẩu giảm về tương đương giá nhập cách đây 6 tháng, nhưng giá bán lẻ trong nước còn cao hơn, dù thuế bảo vệ môi trường đối với xăng từ ngày 1.4 đến nay đã giảm 3.300 đồng/lít.

Giá xăng nhập khẩu về mốc 22.000 đồng/lít?

Theo trang Global Petrol Prices cập nhật đến ngày 1.8, giá xăng trung bình thế giới là 1,41 USD/lít (tương đương gần 33.000 đồng/lít). Giá xăng của VN tính quy đổi theo tỷ giá trên trang này ngày 1.8 tương đương 26.197 đồng/lít, đứng vị trí 45/167 thị trường, giảm hơn rất nhiều so với vị trí xếp hạng trên trang này cách đây 6 tháng là 65/167 quốc gia. Đáng lưu ý, cũng trên bảng này, giá xăng của VN đã giảm hơn một số nước so với giá 6 tháng trước (thời điểm ngày 11.2). Chẳng hạn, xăng Indonesia trước giá thấp hơn giá VN là 20.401 đồng/lít, nay cao hơn, lên 27.261 đồng/lít; Thái Lan hầu như không thay đổi, trước 30.866 đồng/lít, nay 30.064 đồng/lít và vẫn giữ mức cao hơn VN; Malaysia trước 11.247 đồng/lít, nay 10.755 đồng/lít, thuộc tốp 10 quốc gia có giá xăng thấp nhất thế giới; Nhật Bản trước 33.373 đồng/lít, nay giảm xuống 29.376 đồng/lít; Philippines trước 27.899 đồng/lít, nay giảm mạnh 22.689 đồng/lít. Trái lại, giá xăng tại Mỹ so 6 tháng trước cao hơn nhiều, từ 22.299 đồng/lít nay là 27.566 đồng/lít…

So với các nước trong khu vực như Lào, Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Trung Quốc… giá xăng của VN đang thấp hơn. Tuy nhiên, sự khác biệt đáng kể về giá giữa các quốc gia tùy thuộc vào thuế đánh vào đó. Trang Global Petrol Prices cho rằng, theo nguyên tắc chung, các nước giàu hơn có giá cao hơn trong khi các nước nghèo hơn và các nước sản xuất và xuất khẩu dầu có giá thấp hơn đáng kể. Sự khác biệt về giá giữa các quốc gia là do các loại thuế và trợ cấp xăng dầu khác nhau. Tất cả quốc gia đều được tiếp cận với giá xăng dầu trên thị trường quốc tế như nhau nhưng sau đó quyết định áp các loại thuế khác nhau. Do đó, giá bán lẻ xăng dầu có sự chênh lệch.

Giảm 3.000 đồng thuế, chi giữ lại quỹ hết 2.700 đồng

VN có giá xăng đang vị trí 45/167 quốc gia là tương đối thấp. Tuy nhiên, một thống kê khác trước đây của trang này cho thấy, nếu tính thu nhập, người dân VN chi để mua xăng thì chiếm đến 23% thu nhập, trong khi đó, người Thái chỉ chi 10%, người Trung Quốc chi 6,4%. Hay như Singapore hiện có giá xăng gần gấp đôi giá xăng VN nhưng người dân quốc đảo này chỉ mất 1,8% thu nhập để mua xăng, người Mỹ bỏ gần 1% thu nhập để mua xăng…

Trong khi đó, theo số liệu của Quỹ tiền tệ thế giới (IMF), trong năm 2021, GDP bình quân đầu người của VN theo giá hiện hành đạt 3.724 USD/người/năm. So với một số nước trong khu vực Đông Nam Á, GDP bình quân đầu người hằng năm của VN cao hơn Philippines (3.572 USD), Lào (2.514 USD) và Campuchia (1.653 USD) nhưng lại thấp hơn nhiều so với Singapore (72.795 USD); Malaysia (11.399 USD), Thái Lan (7.336 USD) và Indonesia (4.356 USD). Theo số liệu này, người VN có mức thu nhập trung bình khoảng 10,2 USD/ngày, tương đương với 232.000 đồng/ngày. Với mức giá xăng RON 95 là 26.000 đồng/lít, người Việt chi khoảng 12% trong thu nhập bình quân một ngày để mua xăng.

Chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh, kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, cho rằng giá xăng VN đang giảm mạnh từ đầu tháng 7 đến nay, là tín hiệu tốt, song chưa giảm theo đúng giá thế giới. Chúng ta điều hành giá theo 10 ngày một lần thì hôm nay giả sử giá giảm về một nửa, cũng phải chờ đến kỳ điều hành, tính toán, cân chỉnh mới giảm được. Chưa kể thường mức giảm không đúng mức giảm của thế giới, do cộng thêm các khoản thuế phí, quỹ bình ổn… Vì thế, đà giảm của giá xăng dầu trong nước so với thế giới luôn chậm hơn một nhịp. Tuy chúng ta luôn cho rằng điều hành giá cả theo giá thế giới, nhưng thực tế giá xăng dầu trong nước luôn được điều chỉnh có “độ trễ” nhất định.

Giá xăng dầu thế giới đang giảm mức thấp bằng 6 tháng trước, tức trước thời điểm xung đột Nga - Ukraine xảy ra, tạo nên những cơn bão giá nhiên liệu, giá hàng hóa liên tục. “Nếu so giá nhập khẩu từ 6 tháng trước với lúc này là tương đương. Nhưng lưu ý trong thời gian qua, chúng ta đã có 2 lần giảm thuế bảo vệ môi trường với tổng số tiền giảm 3.300 đồng/lít (bao gồm thuế giá trị gia tăng).

Mức giảm rất lớn, nhưng dường như chưa thấy rõ hết trong giá bán lẻ xăng ra thị trường theo các kỳ điều hành gần đây. Giảm 3.000 đồng thì trích giữ lại quỹ cũng 2.700 đồng rồi. Chẳng hạn, xăng giữa tháng 2 sau khi tăng mạnh ngày 11.2 lên ở mức 25.320 đồng/lít, giá xăng hiện tại 25.600 đồng/lít trong khi giá nhập khẩu tương đương. Như vậy, giá xăng chưa giảm đúng giá thế giới bởi thuế nhập khẩu giảm, thuế bảo vệ môi trường giảm mạnh”, ông Anh nhấn mạnh.

Có thể các nhà nhập khẩu xăng dầu vào lúc giá thế giới cao, nên nay giá giảm mạnh, khó có thể giảm mạnh theo vì phải điều tiết mức giảm ít hơn để bù lỗ cũng là cách các nhà kinh doanh áp dụng.

Ông Phạm Thế Anh, kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.