Giá xuất khẩu nhiều nông sản Việt lên đỉnh

06/05/2024 06:27 GMT+7

Bất chấp hạn hán, biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, giá gạo Việt đã trở lại đường đua ngôi vị cao nhất thế giới. Giá một loạt nông sản khác như tiêu, cà phê cũng đang ở đỉnh.

Gạo Việt viết tiếp chương "được lượng, được giá"

Giá gạo xuất khẩu thế giới đang tăng trở lại và trật tự về giá cũng được thiết lập với sự quay lại đường đua giành "ngôi vương" của gạo Việt.

Theo Hiệp hội Lương thực VN (VFA), tính đến cuối tuần trước, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của VN tăng thêm 5 USD lên 585 USD/tấn, cao hơn gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan 3 USD và cao hơn gạo Pakistan 10 USD. Còn nếu so với chính gạo VN cùng kỳ năm trước thì cao hơn khoảng 85 USD/tấn.

Giá gạo xuất khẩu của VN trở lại mức cao nhất thế giới

Giá gạo xuất khẩu của VN trở lại mức cao nhất thế giới

Công Hân

Một số doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo ở ĐBSCL cho hay gần đây giá gạo tăng nhẹ so với tháng trước vì những khách hàng lớn như Philippines và Indonesia tiếp tục mua. Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), cho biết: Do giá lúa gạo đang ở mức cao, nên các nhà thu mua rất cẩn trọng. Họ có tâm lý đợi khi thị trường lắng xuống, giá giảm mới tăng mua. Còn khi thị trường sôi động lại thì họ ngưng. Tuy nhiên, xét trong dài hạn, nhu cầu nhập khẩu gạo từ thị trường truyền thống vẫn còn tốt.

"Dự báo thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm 2024" là nhận định chung của Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT tại hội nghị ngành lúa gạo mới đây ở TP.Cần Thơ. Để đáp ứng khoảng trống thị trường, Bộ NN-PTNT đặt mục tiêu sản lượng lúa cả năm 2024 đạt 43 triệu tấn. Với sản lượng này, tiếp tục đảm bảo cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn.

Có thể thấy, gạo Việt đang được cả lượng lẫn giá. Theo số liệu hải quan trong 4 tháng đầu năm 2024, VN đã xuất khẩu đến 3,23 triệu tấn gạo các loại, tăng gần 12% về lượng và giá trị đạt gần 2,1 tỉ USD, tăng đến 36,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu gạo bình quân cũng đạt mức cao 644 USD/tấn, tăng trên 22% so với cùng kỳ năm 2023.

Việc VN vẫn duy trì sản lượng lúa gạo lớn, bất chấp hạn hán và biến đổi khí hậu kéo dài ảnh hưởng đến mùa vụ của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới là điều gây kinh ngạc với nhiều người. Hiện tại, đợt nắng nóng lịch sử đang hoành hành ở các nước Đông Nam Á. Thái Lan, Myanmar hay Campuchia đều chịu ảnh hưởng nghiêm trọng khi nhiệt độ nhiều nơi tăng 5 - 7 độ C so với trung bình nhiều năm. VN cũng bị ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng nắng nóng và xâm nhập mặn. Tuy nhiên, ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long, nước ngọt phục vụ cho sản xuất vẫn được đảm bảo, chỉ có một số ít lúa ngoài quy hoạch bị ảnh hưởng xâm nhập mặn. Chỉ trong khoảng 2 tháng nữa, người dân ĐBSCL lại vào vụ thu hoạch rộ lúa hè thu.

Chuyên gia thị trường gạo quốc tế, bà Phan Mai Hương, đồng sáng lập chuyên trang thị trường lúa gạo SS Rice News, cho biết: Hiện tại thị trường gạo thế giới vẫn ổn định, giá cao theo hướng có lợi cho các nhà xuất khẩu. Thời tiết bất lợi khi nắng nóng gay gắt bao trùm nhiều nơi, sau El Nino lại đến La Nina sắp xuất hiện, buộc các nước phải tính đến việc làm đầy các kho dự trữ để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và tránh biến động giá cả lương thực nội địa.

"Vụ lúa đầu năm của Thái Lan (cùng thời điểm với vụ đông xuân của VN) tương đối tốt. Nhưng hiện tại họ bị ảnh hưởng bởi nắng nóng và khô hạn nặng nề hơn nhiều so với VN. Các quan chức ngành gạo nước này dự báo sắp tới giá sẽ tăng. Đáng chú ý nhất vẫn là Ấn Độ, vụ thu hoạch vừa qua khá tốt nhưng họ cũng đang gặp vấn đề nắng nóng và khô hạn gay gắt hiện tại. Bên cạnh đó, cuộc bầu cử vẫn chưa có kết quả nên những chính sách hạn chế xuất khẩu gạo của nước này chưa có gì thay đổi. Nếu có gì đó thay đổi với chính sách hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ, nó có thể xảy ra vào quý cuối cùng của năm 2024. Nên cơ bản xuất khẩu gạo của VN năm nay tiếp tục thuận lợi", bà Hương dự báo.

Giá sầu riêng, cà phê, hồ tiêu… lên đỉnh

Tháng 4, nắng nóng gay gắt khắp nơi trên thế giới cũng đẩy cơn sốt giá cà phê lên tới mức cao chưa từng có của ngành này. Ngày 25.4, giá cà phê robusta trên sàn London (Anh) đạt 4.532 USD/tấn, một mốc lịch sử. Tại VN, giá cà phê nhân đạt tới 135.000 đồng/kg, cao gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu cà phê trong tháng 4 đạt sản lượng 148.000 tấn, kim ngạch 572 triệu USD; dù giảm đến 9,5% về sản lượng nhưng tăng tới hơn 42% về kim ngạch; đưa tổng xuất khẩu 4 tháng đầu năm lên đến 726.000 tấn và kim ngạch 2,5 tỉ USD, lượng chỉ tăng 1% nhưng giá trị tăng đến 40%.

Giá xuất khẩu nhiều nông sản Việt lên đỉnh- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao VN (VICOFA), cho biết: "Trong những ngày đầu tháng 5, tuy giá cà phê thế giới và nội địa giảm nhanh nhưng vẫn còn duy trì mức cao. Sự giảm giá này không quá bất ngờ vì Brazil - nguồn cung cà phê lớn nhất thế giới bắt đầu vào vụ thu hoạch. Năm nào cũng vậy vào tháng 5 giá sẽ giảm. Năm nay giá đã lên quá cao nên giảm mạnh cũng là điều bình thường. Dân trong ngành thì vẫn nói đùa, những cơn mưa chuyển mùa xuất hiện nhiều hơn ở Tây nguyên những ngày qua cũng góp phần làm "giải nhiệt cơn sốt giá" cà phê. Theo nghĩa rằng có nước tưới, sản lượng tăng thì giá sẽ hợp lý hơn".

"Dù vậy, xu hướng chung của thị trường toàn cầu trong năm nay và cả niên vụ tiếp theo vẫn là nguồn cung thấp hơn cầu, giá duy trì mức cao. Chúng ta nên bình tĩnh trước những diễn biến thị trường ngắn hạn. Bên cạnh đó, VICOFA cũng kiến nghị ngành nông nghiệp nên điều tra lại diện tích cà phê VN và cung cấp con số chính xác cho cộng đồng doanh nghiệp để chúng tôi có chiến lược kinh doanh phù hợp hơn", ông Nguyễn Nam Hải kiến nghị.

Tương tự, dù cả nước đang đối mặt với thời tiết khô hạn khắc nghiệt nhưng ngành sản xuất rau quả xuất khẩu vẫn băng băng vượt mọi kỷ lục. Những ngày đầu tháng 5, lượng hàng hóa lưu thông qua các cửa khẩu phía bắc vẫn hết sức nhộn nhịp.

Nói về diễn biến nhảy vọt của ngành rau quả, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN (Vinafruit), chia sẻ: "Đúng là thời tiết năm nay khô hạn khốc liệt, nhưng các vùng trồng cây ăn trái "né" được. Đầu tiên vụ thu hoạch sầu riêng nghịch vụ ở miền Tây diễn ra vào tháng 1 - 2 đầu năm khi thời tiết còn mát mẻ. Đến khi nắng nóng và khô hạn tăng lên thì việc thu hoạch cũng đã cơ bản hoàn tất. Mặt hàng bị ảnh hưởng bởi khô hạn nhiều nhất là thanh long nghịch vụ tại Bình Thuận, có nhiều vườn thiếu nước tưới, diện tích năng suất giảm, nhưng bù lại giá bán lại tăng cao gấp 3 lần, tính ra kim ngạch xuất khẩu lẫn thu nhập của nông dân vẫn được đảm bảo".

Hồ tiêu cũng là một trong những mặt hàng lên cơn sốt trong thời gian gần đây. Trong 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hồ tiêu đạt 83.783 tấn, với kim ngạch hơn 353 triệu USD, giảm 18,3% về lượng, nhưng tăng 11,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023. Giá tiêu xuất khẩu bình quân đạt 4.214 USD/tấn, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị VN, so sánh: Thời điểm cách đây một năm, giá hồ tiêu ở mức 67.000 đồng/kg nhưng hiện nay đã tăng lên trên 100.000 đồng/kg, tương đương mức tăng trên 44%. Một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy giá hồ tiêu tăng là do nguồn cung hạn chế trên toàn thế giới chứ không chỉ riêng VN. "Tôi đi khảo sát nhiều vùng trồng hồ tiêu thì bà con cho rằng hiện nay có nhiều loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn nên giá hồ tiêu phải ở mức cao họ mới tiếp tục trồng. Dự báo thời gian tới giá tiếp tục tăng, sẽ giúp ngành hàng hồ tiêu cán mốc 1 tỉ USD xuất khẩu trong năm nay", bà Liên cho hay.

VN chủ động né hạn mặn thành công

VN đặt mục tiêu xuất khẩu 8 triệu tấn gạo trong năm 2024

VN đặt mục tiêu xuất khẩu 8 triệu tấn gạo trong năm 2024

Thanh Phong

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), nhận định: Cũng như nhiều nước Đông Nam Á khác, VN bị ảnh hưởng nặng nề của tình trạng nắng nóng dẫn đến khô hạn và đặc biệt là xâm nhập mặn ở ĐBSCL. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta có sự chủ động ứng phó nên không bị bất ngờ, thiệt hại nặng. Đầu tiên là vựa lúa ĐBSCL thường xuyên bị hạn mặn, có năm gay gắt, thậm chí đặc biệt gay gắt nên về cơ bản chúng ta có kinh nghiệm ứng phó. 

Thứ hai, tình trạng El Nino cường độ khá mạnh đã được dự báo sớm, nên ngay từ giữa năm 2023, Cục Trồng trọt đã tham mưu cho Bộ xây dựng các kế hoạch ứng phó, điều chỉnh lịch thời vụ để né hạn mặn từ ngày 22.5.2023. Đến thời điểm này, vụ lúa đông xuân đã thu hoạch xong và cơ bản không bị ảnh hưởng, thiệt hại. Một phần nhỏ vụ hè thu nằm ngoài kế hoạch sản xuất chung nên bị ảnh hưởng, số lượng không đáng kể.

Tuy nhiên, Cục cũng đang rà soát lại tình hình thiệt hại và lên kế hoạch mới cho giai đoạn tiếp theo. Năm 2024 cơ bản diện tích sản xuất khoảng 7,09 triệu ha, sản lượng ước đạt 43 triệu tấn lúa, đảm bảo an ninh lương thực và lượng gạo xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn.

Đối với những loại cây trồng khác, đặc biệt là cây dài ngày như cà phê, giai đoạn nắng nóng đỉnh điểm cũng là lúc cây đang ra hoa, kết quả nên sản lượng năm nay có thể bị ảnh hưởng đáng kể, một số vườn bị thiệt hại nặng. Tình hình tương tự đối với cây hồ tiêu. Các cơ quan chuyên môn địa phương cũng đang rà soát để nắm tình hình và triển khai các giải pháp phù hợp.

"Thời tiết bất lợi, khiến sản xuất nông nghiệp của VN và các nước đều bị ảnh hưởng. Điều này sẽ khiến nguồn cung toàn cầu hạn chế, nhu cầu tăng và giá bị đẩy lên cao. Tuy nhiên, hiện nay do chúng ta có sự chủ động ứng phó và bà con nông dân có nhiều kinh nghiệm nên mức độ thiệt hại không đáng kể. Điều này tạo điều kiện giúp VN duy trì sản lượng tốt để xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu của thế giới", ông Nguyễn Như Cường nói.

Theo GS Võ Tòng Xuân, việc né hạn mặn thành công là nhờ VN có nhiều giống lúa tốt về chất lượng và đặc biệt là ngắn ngày, năng suất cao. Chính vì vậy, chúng ta rất dễ dàng và linh hoạt trong việc điều chỉnh lịch thời vụ. Bên cạnh đó, chất lượng lúa của VN đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường ở phân khúc rộng nên có nhiều khách hàng từ khắp nơi trên thế giới. Những nước có nhu cầu cao như Philippines, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc hay các nước châu Phi… rất thích. Điều này giúp chúng ta tiếp cận thị trường dễ dàng. VN đã đầu tư hạ tầng cho lĩnh vực sản xuất lúa khá hoàn chỉnh; bà con nông dân giỏi và nhiều kinh nghiệm nên thuận lợi vượt qua các trở ngại về thời tiết.

Hiện nay nhiều nơi đã bước qua được giai đoạn khô hạn khốc liệt nhất. Thời gian từ đây đến cuối năm vẫn còn dài, sản lượng trái cây vẫn chưa vào chính vụ nên việc gia tăng kim ngạch còn rất lớn.

Ông Nguyễn Văn Mười (Trưởng đại diện phụ trách phía nam Hội Làm vườn VN)

Giá cà phê, gạo vẫn rất cao, nông dân đang hưởng lợi

Trong khi giá gạo đang tăng trở lại do Philippines tăng mua thì giá cà phê những ngày đầu tháng 5 lại giảm. Đây cũng chỉ là những diễn biến bình thường của thị trường liên quan đến cung - cầu. Về cơ bản, giá của 2 mặt hàng này vẫn rất cao so với mức bình quân chung nhiều năm qua.

Xu hướng chung thì cả hai mặt hàng này cung vẫn ít hơn cầu, giá cao và nông dân được hưởng lợi. Điều quan trọng là bà con nông dân và doanh nghiệp không nên quá lo lắng trước những diễn biến nhất thời của thị trường.

Ông Đỗ Hà Nam (Phó chủ tịch VFA kiêm Phó chủ tịch VICOFA)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.