- Dì Yến nhớ cháu không? Cháu là Khanh đây.
Bà Yến đang còn lục tìm trong tâm trí thì bên kia nhắc luôn:
- Ở nhà cháu tên Bon. Hồi đó cháu lên nhà dì than thở thất nghiệp nhờ dì xin đi dạy tiếng Anh hợp đồng được sáu tháng thì bị đuổi đó. Dì nhớ ra chưa?
Bà Yến cười, bà đã nhớ ra từ câu nhắc nhở đầu tiên, bé Bon con của ông Cần anh ruột của bà mà sao không nhớ. Chỉ vì cái tên Khanh bà không quen. Kể về việc mình bị đuổi mà giọng nhẹ tênh vậy tức là bây giờ nó đã ngon lành rồi.
- Đang làm việc ở công ty nước ngoài hả cháu?
Tiếng cười giòn tan:
- Công ty nước ngoài mà ăn nhằm gì hả dì.
- Chà chà - Bà Yến nheo mũi, quên mất là đứa cháu ở tận đâu chớ không phải ngay trước mặt mình - Nghe không giống hồi đó trùm mền khóc lén chút nào.
Tiếng cười lại vang lên:
- Hồi đó cháu vô lý quá hả dì. Tự nhiên tới nhà dì mà khóc lóc như ăn vạ.
- Dì nghe kể mấy đứa làm ở thành phố như cháu nhảy việc như cóc nhảy. Cháu nhảy tới đâu rồi?
- Cháu nhảy tới lưng chừng. Dì Yến ơi, cháu mời dì về làm việc với cháu. Dì nhận lời nha?
Bà Yến ngạc nhiên, không ngờ đứa cháu mới cách đây sáu năm mỗi tháng kiếm được triệu rưỡi tiền lương dạy hợp đồng đã mừng trào nước mắt mà nay đi thuê người làm. Nhưng bà chỉ ngạc nhiên một thoáng thôi. Họ hàng có nhiều đứa cháu đi làm ăn xa, những đứa đang còn loay hoay thì không nói làm gì, đứa nào thành công quay về thăm nhà thì rất xênh xang và sau đó kéo theo một mớ để làm công nhân cho nó.
- Cháu trả cho dì được bao nhiêu mà đòi dì làm công cho cháu hả?
- Trời ơi dì đừng nói vậy, không dám là dì làm công đâu. Dì làm cô giáo đúng nghề của dì mà. Cháu chỉ là... ừm, chỉ là người đứng ra phụ trách thôi.
Lần này thì bà Yến ngạc nhiên thật sự:
- Cháu lên hiệu trưởng rồi à?
Bên kia bật cười:
- Dạ không, cháu chỉ là giáo viên dạy kèm thôi.
- Dì hiểu rồi, con đại gia mình tới tận nhà dạy. Nhưng mà cháu ơi tuổi của dì mà tới nhà người ta thì...
- Qua cái thời tới nhà học trò rồi dì. Bây giờ cháu thuê chỗ mở trung tâm dạy kèm tất cả các môn, hợp đồng giáo viên tới dạy ăn chia phần trăm.
- Ý cháu là...
- Dạ, thì cháu lấy chính kinh nghiệm của mình hồi mới ra trường không có chỗ cũng như không có học trò để dạy, cháu bèn liều... Các trung tâm khác thì giương thương hiệu của các cô thầy giáo lâu năm chuyên luyện thi các cấp, còn trung tâm của cháu thì có chiêu giáo viên trẻ tràn đầy nhiệt huyết. Làm ăn một hồi thì cháu hiểu ra, chỗ nào thương hiệu giáo viên giỏi thì hút học trò giỏi cho những kỳ thi cấp này cấp kia, học sinh trung bình học ở mấy chỗ đó không theo kịp cho nên đổ dần về các trung tâm như của cháu. Mà trên đời này trung bình luôn chiếm số đông.
****
Vùng ven, giáo viên về hưu đâu dễ có việc đúng chuyên môn để làm thêm. Hồi đang còn đi dạy mà thuyết phục phụ huynh cho con em đi học phụ đạo miễn phí còn khó nữa là.
Niềm vui thầm lặng reo trong lòng bà Yến. Cú điện thoại này thật quá bất ngờ. Sang năm con trai lấy vợ, muốn sửa sang căn nhà tươm tất để đón dâu mà chưa biết lấy đâu ra tiền. Về hưu, vợ chồng bà thuê đất trồng rau sạch nhưng khi thu hoạch đem xuống chợ thì cạnh tranh không lại với dân buôn chính hiệu, tiền lời không đủ bù tiền thuê đất. Rồi bà nhận đan len nhưng người ta bây giờ chẳng cần chăm chút vừa vặn, hàng chợ có rộng thùng thình cũng thành thời trang mà lại rẻ.
Bà sẽ thật tận tâm, sẽ hết lòng với bọn nhỏ học trò mới mẻ này. Người thành phố không tiếc tiền miễn con em học hành tiến bộ, họ sẽ thấy công sức của bà xứng đáng với số tiền họ trả.
Thu xếp việc nhà với chồng con, dọn áo quần vô túi xách... Ý nghĩ miên man đưa bà đi xa hơn... Đời giáo viên của bà chưa có niềm vui được nhìn thấy đứa học trò nào của mình bước lên bục nhận huy chương. Cho đến nay dù đã về hưu nhưng bà vẫn thấy thót tim mỗi khi ti vi chiếu cảnh những đứa học trò đội vòng hoa chiến thắng giữa cơn mưa kim tuyến lấp lánh và tiếng nhạc hân hoan cùng tiếng vỗ tay rộn ràng.
Ghen tị. Ừ. Đúng. Bà ghen tị.
Bà thu thập những cuốn sách hay, bà dõi theo những cuộc thi học sinh giỏi của các nơi, lưu giữ những đề bài và cách giải độc đáo. Nhưng mỗi buổi đi học được (bị) quy ra tương đương với nửa công lao động nương rẫy khiến đội tuyển mà bà chắt chiu sàng lọc rơi rớt dần và rồi thì tan tành.
Càng có thâm niên trong nghề, bà càng thực tế hơn nhưng mà giấc mơ đó không chịu tàn lụi đi như bao điều đã tàn lụi. Cứ hễ xuất hiện vài em học sinh nổi trội thì lòng bà lại thôi thúc. Và cứ vậy, rồi lại tan tành. Bà chỉ có được những niềm vui nho nhỏ, là mỗi kỳ thi đại học, vài ba lá thư gửi về báo tin “Thưa cô em đậu đại học rồi”, lá thư ngập ngừng không ghi rõ bao nhiêu điểm, có thể hiểu là đậu sát điểm sàn thôi. Bà cất những lá thư hiếm hoi đó vô một cái hộp và đặt lên kệ giữa những cuốn sách mà bà lưu giữ làm kỷ niệm một đời giáo chức.
Cú điện thoại của Khanh đã đánh thức giấc mơ tưởng chừng đã chìm lỉm đâu đó. Một túi xách áo quần, một cái hộp để bà xếp vô đó ba cuốn sách tâm đắc và tập tài liệu chép tay.
Trên chuyến xe lắc lư khi đi qua vùng đồi mù sương, tâm trí bà hiện ra vòng hoa chiến thắng đội trên mái tóc đen nhánh và tấm huy chương đeo trước ngực màu vàng rực... Bà đỏ mặt tự cười mình, dĩ nhiên bạc hoặc đồng thì cũng là quá vui.
Học trò thành phố nhiều khát vọng và phụ huynh cũng vậy, và bà cũng vậy.
Bà sẽ...
****
- Nhờ cháu rủ rê mà dì có cớ du lịch thành phố - Bà Yến nói với vẻ dí dỏm và đỏ hồng hai má, sợ đứa cháu nhìn thấu lòng bà.
- Mới xuống xe còn mệt, dì nghỉ ngơi đi. Chiều nay cháu chở dì đi vòng vòng tham quan thành phố cái đã.
- Đâu phải đi du lịch mà vội vàng tham quan sợ không kịp thời gian - Bà Yến nói - Dì ở đây dài ngày mà, dì muốn tìm hiểu công việc liền còn đi chơi thì từ từ mỗi cuối tuần mình đi một nơi cho biết cũng được.
- Dì ơi cuối tuần mới là bận tít mù đó. Thường ngày tụi nó đi học trên trường cho nên còn chia ca sáng chiều tối chứ thứ bảy chủ nhật học tăng tiết rất đông, từ sáng tới tối, có nhóm hơn trăm đứa, dì phải giảng qua mic.
- Chà, mới học trò cấp hai mà đông vậy thì sao mình theo dõi kịp từng em hả cháu?
- Dì nói gì?... - Khanh tròn mắt nhìn bà Yến rồi như sực nhớ ra - À, dạy ở đây khác với dạy ở chỗ dì.
Bà Yến nhìn Khanh - tóc tém, bộ váy công sở màu kem, giày cao gót vừa phải, và dáng vẻ vô cùng nhanh nhẹn. Trông Khanh rất giống diễn viên Hàn Quốc trong vai giám đốc công ty. Nhớ hồi nào nó còn là con bé Bon trưa đi học về chưa có ăn chạy qua nhà bà xin củ khoai lang, nhớ hồi nào ra trường không xin được việc nó tới nhà bà nói là buồn ngủ quá để trùm mền khóc lén.
Quá giỏi.
Nhưng mà việc dạy học ở thành phố khác là khác làm sao?
****
Chiều. Năm giờ ba mươi.
Chiếc xe Elizabeth màu vàng chanh ngừng lại trước cửa êm như ru. Một cậu bé leo xuống, cái ba lô sau lưng phồng lên như con cóc khổng lồ, tay cậu bé cầm cái túi trong suốt nhìn thấy rõ bên trong là hộp sữa tươi và khúc bánh mì.
Bà Yến cảm thấy hơi hồi hộp như một cô sinh viên thực tập, cậu bé này là đứa học trò đầu tiên bà gặp ở thành phố này.
- Cô chào em - Bà Yến nói - Em để cặp xuống bàn và cởi áo khoác ra cho thoải mái.
Cậu bé giương mắt nhìn bà Yến một cách ngạc nhiên.
- Em không chào cô à? - Bà Yến cau mày.
Cậu bé lúng búng:
- Dạ em chào cô.
Khanh kề miệng sát tai bà Yến:
- Có đứa chào có đứa không. Mặc kệ đi. Đòi hỏi lễ phép lỡ có đứa thấy khó rồi bỏ đi nơi khác học là mình mất mối đó dì.
Bà Yến nín lặng. Khanh nói nhanh:
- Cháu hiểu cảm giác của dì. Nhưng mà mình không phải cô thầy giáo chính khóa có quyền cho điểm này điểm kia, ngược lại, mình cần học trò hơn học trò cần mình dì à.
Âm thanh lao xao nhanh chóng thành tiếng ồn ào. Mới đó mà bàn ghế đã chật kín học trò. Khanh tươi cười:
- Các em có năm phút ăn uống, nhanh nhé.
Tiếng mở cặp rột roạt và tiếng sột soạt của giấy gói bánh, tiếng cắn ống hút sữa phụp phụp phụp, có tiếng cắn kẹo cứng rôm rốp...
Bà Yến thấy khó coi khi trước mặt mình ăn uống như là đang trong lớp mẫu giáo, mới nghe Khanh nói thường ngày thì chia ca sáng chiều, nhưng cái kiểu ăn uống này cho thấy bọn nhỏ mới tan trường và chạy luôn tới đây.
Đọc báo nghe đài bà biết học trò thành phố học thêm ghê gớm lắm, nhưng đến mức này thì thật là... Bỏ qua sự khó coi, bà thấy vui vui trong lòng, học đến mức này thì bà tin là mình sẽ nhanh chóng chọn được một nhóm để bồi dưỡng thành đội tuyển.
Bà Yến nhìn Khanh, hình dung tới một ngày Khanh nói cám ơn bà vì đã đưa trung tâm dạy kèm này lên một tầm mới.
Bà Yến nhìn đứa ngồi bàn đầu tiên vừa cắn bánh mì vừa lôi tập giấy trong ba lô ra, liếc nhìn đề bài in chữ đậm trên tờ giấy A4 - “Giải hệ phương trình bằng phương pháp thế”, bà nhận ra đây là học sinh lớp 9.
Bà Yến quay nhìn lại bàn giáo viên, không còn Khanh ở đó. Bà ngạc nhiên, chưa nghe Khanh nói gì và cũng chẳng nghe Khanh phân công bà dạy lớp này, vậy mà một mình bà đang đứng trước mặt bọn nhỏ.
Tiếng gót giày, rồi Khanh xuất hiện ở ngưỡng cửa, ánh mắt nhìn bà muốn nói gì đó. Bà đi tới chỗ Khanh.
- Cháu định hôm nay mời dì dự thính để dì làm quen - Khanh nói nhỏ - Nhưng giáo viên đứng lớp này hôm nay không biết có chuyện gì mà giờ này chưa tới cho nên dì dạy chính luôn nghe.
Được thôi, mấy mươi năm là giáo viên toán cấp hai, chương trình toán lớp 9 trong đầu bà còn nhớ như in.
- Cháu dạy tiếng Anh cho nên chương trình toán cháu không nắm rõ - Khanh nhìn đồng hồ và nói thật nhanh - Như vầy nè, dì tìm cách để biết hôm nay trên trường tụi nó học tới đâu, rồi dì dạy bài tiếp theo là được.
- Dì tưởng là... các em trung bình không kịp hiểu bài trên trường cho nên tới đây để được nghe giảng dạy kỹ lại?
- Dì ơi - Khanh sốt ruột nhìn đồng hồ thêm lần nữa - Dì cứ làm theo cháu nói đi. Lúc khác cháu sẽ giải thích rõ.
*****
Cuối tháng năm, bà Yến về thăm quê. Túi xách đựng áo quần của bà đã thay bằng cái
va li có tay kéo khá lớn, ngoài áo quần thì bà cho vô đó luôn cái hộp đựng ba cuốn sách tâm đắc và tập tài liệu chép tay vẫn còn nguyên lớp băng keo dán như khi ra.
Chồng con hồ hởi đón bà Yến ở bến xe.
- Mẹ về hè được lâu không? - Con trai bà hỏi.
- Đầu tháng sáu bắt đầu dạy lại con à - Bà trả lời.
- Học trò thành phố học cả mùa hè à? - Con trai kêu lên tấm tắc.
- Ờ, mùa hè bọn nhỏ sẽ học trước chương trình lớp tới để
vô năm học tha hồ giơ tay xung phong mà kiếm điểm - Bà trả lời.
- Đã chọn được đội tuyển của mình chưa? - Chồng bà hỏi với cái nhìn lấp lánh. Hơn ai hết, ông hiểu điều luôn cháy âm ỉ trong lòng vợ.
Bà quay mặt đi nơi khác làm ra vẻ ngắm nghía quang cảnh trong nỗi nhớ, thật ra là sợ chồng thấy mình đỏ mặt. Sự học bây giờ đã khác và bà cũng đã khác.
Bình luận (0)