NHỮNG MẢNH ĐỜI ĐẶC BIỆT
Buổi trưa hè nóng nực tại Bayeux (Calvados, Pháp), một nhóm VĐV đặc biệt đang say mê tập luyện cho Olympic. Từ quyền anh đến judo trong phòng tập, hay chạy bộ bên ngoài sân, tất cả đều hướng tới giấc mơ chung: ghi dấu ấn ở đấu trường lớn nhất thế giới. Nhưng họ cố gắng chẳng phải cho riêng mình.
"Tôi muốn tận hưởng từng giây phút, bởi sau những gì đã trải qua, tôi tin việc có mặt ở đây đã là thành công", Adnan Khankan chia sẻ. Anh là người Syria, nhưng không góp mặt ở Olympic dưới lá cờ quê hương. Chiến tranh ở Syria khiến Khankan phải gác lại mọi thứ, trong đó có cả giấc mơ judo, môn thể thao anh tập luyện từ năm 10 tuổi. Võ sĩ người Syria là một trong 37 thành viên của đoàn thể thao người tị nạn, đang tranh tài ở Olympic Paris. Đây là kỳ thế vận hội thứ ba các VĐV tị nạn tranh tài, sau Olympic Rio (2016) và Olympic Tokyo (2021).
Chiến tranh liên miên ở nhiều quốc gia trong hơn một thập niên qua khiến khoảng 120 triệu người phải rời bỏ quê hương. Dòng người tị nạn phải hứng chịu định kiến, phân biệt đối xử lẫn xung đột sắc tộc - vấn đề vẫn đang xảy ra hằng ngày. Đó là lý do đoàn thể thao người tị nạn được thành lập để tham dự Olympic. "Họ sẽ chạm đến trái tim khán giả, đạp đổ bức tường định kiến hướng về phía người tị nạn", Jojo Ferris, người đứng đầu Quỹ tị nạn Olympic (ORF) chia sẻ.
"Hầu hết những người tị nạn đều có tiềm năng. Họ cũng có mục tiêu, giấc mơ riêng luôn ấp ủ trong lòng, nhưng họ đã rời bỏ đất nước và mất tất cả", VĐV đua xe đạp Masomah Ali Zada nói. Cô gái người Afghanistan là đại diện của đoàn thể thao người tị nạn tại Olympic Paris. Ali Zada phải sống lưu vong từ nhỏ ở Iran, bị từ chối tị nạn và trở về Afghanistan năm 11 tuổi. Sau đó 9 năm, Ali Zada lại phải rời quê hương để sang Pháp. Bằng nỗ lực không ngừng nghỉ, VĐV 28 tuổi đã nhận học bổng dành cho VĐV tị nạn của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC).
CHUNG MỘT KHÁT VỌNG
Đoàn thể thao người tị nạn bắt đầu dự thế vận hội từ năm 2016, khi góp mặt tại Olympic Rio với 10 VĐV từ 4 quốc gia. Chủ tịch IOC Thomas Bach cho biết mục đích thành lập đội Olympic tị nạn nhằm nhấn mạnh thông điệp về quy mô của cuộc khủng hoảng di cư đang gia tăng.
"IOC cũng muốn cung cấp một con đường để cạnh tranh cho các VĐV tị nạn không được đại diện cho quốc gia sở tại và bị cấm thi đấu dưới lá cờ quê hương. Đây là biểu tượng hy vọng cho người tị nạn toàn cầu. Hy vọng đoàn thể thao người tị nạn sẽ giúp thế giới nhận thức rõ hơn về quy mô của cuộc khủng hoảng di cư. Đây cũng là tín hiệu gửi đến cộng đồng quốc tế rằng người tị nạn cũng giống như chúng ta. Họ sẽ làm xã hội phong phú và đa dạng hơn", ông Thomas Bach chia sẻ.
Đội tuyển Olympic người tị nạn chưa giành được huy chương nào sau 2 kỳ thế vận hội trước, nhưng điều ấy chẳng còn quan trọng. "Tôi muốn cho thế giới thấy những gì người tị nạn có thể làm. Chúng tôi mạnh mẽ, chúng tôi cũng giống như những VĐV khác", võ sĩ Muna Dahouk (Syria), tham dự môn judo ở Olympic Paris, bộc bạch.
Với các VĐV tị nạn, được dự Olympic đã là chiến thắng giá trị nhất. "Tôi mong sẽ có một ngày châu Âu thay đổi định kiến về người tị nạn. Thông qua thể thao, tôi muốn giúp đỡ những người cũng khó khăn giống mình, những người đang phải ngủ ngoài đường, phải rời xa quê hương. Sẽ luôn có cách để chúng ta tương trợ nhau", VĐV Adnan Khankan bày tỏ.
Trong một video dài 33 giây đầy cảm xúc được chia sẻ trên tài khoản Instagram cá nhân và cả website chính thức của Olympic Paris 2024, ngôi sao Hollywood, nữ diễn viên nổi tiếng người Malaysia Dương Tử Quỳnh nêu bật những nỗ lực và hy sinh phi thường của các VĐV đội tuyển Olympic người tị nạn. Cô nói: "Họ đã chiến đấu mạnh mẽ hơn và phải đi xa hơn để đến Paris. Hãy ủng hộ họ bằng cả trái tim. Sự kiên cường, niềm đam mê, quyết tâm và tài năng của họ thật sự đã truyền cảm hứng".
Bảo Nghi
Bình luận (0)