Bảo Thư cho biết điều thôi thúc cô thực hiện đề tài này là những con số đáng báo động về sự suy giảm của động vật hoang dã tại Việt Nam (giảm 60% kể từ năm 1970). Bên cạnh đó, vấn đề bảo vệ động vật hoang dã cũng chưa thực sự được quan tâm đúng mực. “Em muốn có một trung tâm nghiên cứu, cứu hộ, bảo vệ động vật hoang dã mang tầm quốc gia đặt tại khu vực miền Trung, với mô hình chuẩn về quản lý. Vì vậy, em đã ấp ủ ước mơ về một trung tâm bảo hộ động vật hoang dã đặt ngay tại khu vực rừng đặc dụng Bà Nà, Đà Nẵng”, Thư chia sẻ.
Công trình cứu hộ động vật của Thư gây ấn tượng với ban giám khảo bằng một hệ thống kiến trúc mở, có khu hành chính triển lãm; khu thú nuôi (gồm bệnh viện thú y, khu cứu trợ, khu chăm sóc, sân chơi của thú) và khu nghiên cứu bán hoang dã (có khu vực lưu trú của chuyên gia).
Thư cho biết công trình có hệ mái lấy sáng tự nhiên, mô phỏng đặc trưng địa hình chủ đạo ở khu vực đồi núi. Trung tâm cứu hộ động vật có kiến trúc hình khối mềm mại hòa quyện với núi rừng và tôn vinh vẻ đẹp của thiên nhiên với vật liệu thân thiện môi trường.
|
“Thế mạnh xanh và tự nhiên hiện diện trong phương án kiến trúc này, nhưng yếu tố biểu tượng vẫn được đề cao, nhằm thu hút sự tập trung đối với vấn đề bảo vệ động vật hoang dã, thuận tiện cho công tác cứu hộ động vật”, cô gái yêu kiến trúc xanh chia sẻ.
Ban giám khảo cuộc thi đã đánh giá cao tính nhân văn và biểu tượng của công trình, với vai trò của một mô hình chuẩn về quản lý và tiêu chuẩn phúc lợi động vật cho tất cả các trung tâm bảo vệ động vật trên cả nước. “Giành giải thưởng này với em thực sự là điều may mắn, tạo tiền đề để em tự tin học tập, nghiên cứu và cống hiến nhiều hơn nữa, trong phát triển kiến trúc xanh tự nhiên cho cộng đồng”, Bảo Thư nói.
Cuộc thi Kiến trúc xanh sinh viên Việt Nam 2019 đã thu hút hơn 100 đồ án được lựa chọn từ các trường đại học có chuyên ngành kiến trúc trên toàn quốc. Đây là dịp để các kiến trúc sư tương lai đưa ra những ý tưởng sáng tạo góp phần thúc đẩy xu hướng công trình xanh, kiến trúc xanh đang trong giai đoạn đầu phát triển tại Việt Nam.
Ban tổ chức đã trao giải nhất cho Phan Nguyên Trọng, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM với tác phẩm “Trung tâm văn hóa du lịch làng chài Lý Sơn”; 2 giải nhì gồm: “Bảo tàng Thư viện Đắk Nông” của Nguyễn Huy Lộc, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội và “Trung tâm chăm sóc thú nuôi và cứu hộ động vật hoang dã Tây Bà Nà” của Trần Phước Bảo Thư, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Ban tổ chức còn trao 3 giải ba, 5 giải khuyến khích và 6 giải chuyên đề.
|
Bình luận (0)