Giấc mơ nhà hát 'số'

11/05/2020 07:13 GMT+7

Trong khi nhiều nhà hát trên thế giới đã thực hiện nhà hát “số” từ lâu, thì cho đến nay, Việt Nam gần như chưa có một nhà hát “số”.

Chưa dễ thực hiện

Một trong những nhà hát lớn nhất Việt Nam - Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM, vẫn chưa thể thực hiện nhà hát “số”. Ông Nguyễn Minh Tân, Phó trưởng phòng Tổ chức biểu diễn của nhà hát, lý giải: “Hiện tại, trình độ biểu diễn cũng như nền tảng cơ sở vật chất vẫn chưa đáp ứng được”. Theo ông Tân, thực tế này không chỉ với riêng Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM, mà gần như hầu hết các nhà hát khác cũng vậy. “Với điều kiện còn nhiều thứ chưa được chuyên nghiệp như ở Việt Nam, việc số hóa các tác phẩm khó đảm bảo được chất lượng nghệ thuật”, ông Tân nói. Bên cạnh đó, cũng theo ông Tân, lâu nay các nhà hát trong nước chưa chú ý nhiều đến nền tảng số, chưa coi đây là “công cụ” để tiếp cận khán giả.

Trong những năm tới, một trong những mục tiêu lớn của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM là phổ cập nghệ thuật hàn lâm tới khán giả. Để làm được việc này, nhà hát cũng phải “lợi dụng” nền tảng số

Ông Nguyễn Minh Tân, Phó trưởng phòng Tổ chức biểu diễn, Nhà hát Giao hưởng
nhạc vũ kịch TP.HCM

NSƯT Trần Ly Ly, quyền Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (Việt NamOB), cho rằng việc nhiều nhà hát trên thế giới đưa các chương trình qua nền tảng số đến với khán giả khắp thế giới trong thời gian qua khiến bà có suy nghĩ “sẽ phải có tư duy khác”. “Việc số hóa là ý tưởng lớn cần nghĩ đến trong tương lai”, NSƯT Trần Ly Ly nói, mặc dù không thể phủ nhận sẽ có nhiều khó khăn nếu muốn thực hiện nhà hát “số”. Theo bà Ly, trong số những điều kiện cần phải có, cần những công ty chuyên nghiệp trong lĩnh vực này, cũng như thiết lập được mối quan hệ tin tưởng thì mới có thể làm được.
Giấc mơ nhà hát “số”

Cần hướng tới phổ cập nghệ thuật hàn lâm

Ông Nguyễn Minh Tân nhìn nhận nhà hát “số” đã là xu thế của thế giới, các nhà hát trong nước cũng sẽ phải nghĩ đến điều này. Theo ông Tân, nhiều nhà hát trên thế giới đã dùng nhà hát “số” trong việc đào tạo khán giả, dẫn dắt khán giả tiếp cận với nghệ thuật hàn lâm, và đây cũng là hướng mà các nhà hát ở Việt Nam nên theo. “Trong những năm tới, một trong những mục tiêu lớn của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM là phổ cập nghệ thuật hàn lâm tới khán giả. Để làm được việc này, nhà hát cũng phải “lợi dụng” nền tảng số. Cùng với đó, sẽ phải định hướng những chương trình, tác phẩm đặc thù thế nào cho phù hợp”, ông Tân nói.

Xu hướng phổ biến trên thế giới

Vừa qua, hàng loạt tác phẩm opera, ballet kinh điển đã được nhiều nhà hát danh tiếng trên thế giới giới thiệu tới công chúng khắp nơi qua nền tảng số. Khán giả có thể thưởng thức những tác phẩm kinh điển của thế giới miễn phí trong khoảng 1 ngày. Nhiều nhà hát trên thế giới thực hiện nhà hát “số” này không chỉ nhằm giới thiệu những tác phẩm xuất sắc, mà còn đưa khán giả ngược trở lại với nhà hát.
Năm ngoái, vở ballet Cô bé lọ lem do Nhà hát quốc gia Paris (Pháp) - một trong những nhà hát danh tiếng trên thế giới thực hiện, đã được trình chiếu trên màn ảnh rộng tại Trung tâm văn hóa Pháp (Hà Nội). Vé của buổi chiếu được bán hết sạch. Khán giả đến xem không chỉ có cảm giác đang thưởng thức vở diễn trong nhà hát tại Pháp, mà còn được cảm nhận không khí hậu trường với những cuộc trò chuyện với nghệ sĩ, đạo diễn... Đây không phải lần đầu Trung tâm văn hóa Pháp giới thiệu vở diễn sân khấu trên màn ảnh rộng. Nhiều nhà hát Pháp cũng như của thế giới đã ghi hình vở diễn và bán bản quyền để khán giả khắp nơi không có điều kiện xem trực tiếp (do khoảng cách địa lý hoặc kinh tế) có thể thưởng thức. Nhà hát Theatre Royal (Anh) đã phân phối sản phẩm của nhà hát trên nền tảng số, trong đó có trình chiếu tại bệnh viện qua mạng lưới truyền hình bệnh viện quốc gia. Trường đại học Melbourne (Úc) có kho dữ liệu số trong đó sinh viên có thể truy cập để xem những vở diễn sân khấu như ballet, opera, nhạc kịch... của những nhà hát danh tiếng thế giới.
Nhiều nghệ sĩ cũng cho rằng nhà hát “số”, khi có, nên được tạo dựng cùng chức năng định hướng, đào tạo khán giả. Đạo diễn Huyền Nga (Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam) kể bà từng chứng kiến có những khán giả ngủ gật khi đang xem một vở opera. Bà Nga cho rằng việc đó xảy ra phần nhiều là do có những khán giả xem lần đầu chưa hiểu tác phẩm, hoặc không biết rõ tác phẩm đó là như thế nào. Bởi vậy, khán giả trước khi xem vở diễn nên được cắt nghĩa, giải thích về tác phẩm, nhân vật, âm nhạc… Thưởng thức tác phẩm với cách như vậy sẽ giúp khán giả cảm nhận, đánh giá thấu đáo hơn, từ đó thích thú khi được thưởng thức vở diễn (có khi kéo dài 2 - 3 tiếng đồng hồ), thay vì chỉ thấy… buồn ngủ vì không hiểu gì.
Theo đạo diễn Huyền Nga, việc đào tạo khán giả theo cách như vậy trên nền tảng số không quá phức tạp. “Chẳng hạn, trước những buổi biểu diễn, có thể có những clip chia sẻ giữa ê kíp thực hiện như đạo diễn, nhạc trưởng với khán giả, giúp họ mường tượng vở diễn. Trong đó, đạo diễn giúp khán giả hiểu về các vai diễn, còn nhạc trưởng giúp họ có thể phân tích, diễn giải, đánh giá về âm nhạc...”.
Đạo diễn Huyền Nga còn cho rằng cần mở rộng đối tượng khán giả với nghệ thuật hàn lâm, không nên chỉ hướng đến những đối tượng đã am hiểu nghệ thuật hàn lâm ở những thành phố lớn, mà cần mở rộng tới khán giả phổ thông, tới các trường học, cơ quan... khắp mọi miền. “Trong tương lai không xa, các nhà hát trong nước cũng phải nghĩ đến những cách khác nhau, những hình thức khác để tiếp cận khán giả, thay vì chỉ bán vé để khán giả đến nhà hát xem theo cách truyền thống”, đạo diễn Huyền Nga nhìn nhận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.