Giấc mơ thị trường mới nổi đã kết thúc?

30/05/2016 17:02 GMT+7

Năm 2016 từng được dự báo sẽ là năm mà các thị trường mới nổi trở lại, song một số nhà phân tích hiện cho rằng thời đoạn tăng trưởng ấn tượng của các nền kinh tế đang phát triển đã kết thúc.

Các thị trường mới nổi đã và đang đối diện với giai đoạn khó khăn kể từ cuối năm 2013, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định mở lại chương trình mua trái phiếu khổng lồ. Một vài nền kinh tế chật vật với đồng tiền yếu, thâm hụt tài khoản vãng lai lớn và nhóm “năm nước dễ vỡ” đã hình thành, gồm: Ấn Độ, Brazil, Nga, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau đó, đợt sụt giá hàng hóa và nhiều lo ngại về độ giảm tốc của kinh tế Trung Quốc tiếp tục đặt thêm áp lực lên các nền kinh tế. Tuy vậy, tình hình cũng bắt đầu cải thiện đối với một vài nước như Indonesia và Ấn Độ - các quốc gia tiến hành cải cách chính trị và kinh tế.
“Câu chuyện tăng trưởng của các thị trường mới nổi chỉ có thời, tuy nhiên các nhà đầu tư hiện diện mạnh mẽ ở những thị trường này sẽ tiếp tục tạo thuận lợi cho quá trình mở rộng kinh tế, điều mà cuối cùng sẽ đem lại kết quả lớn”, đối tác Lev Riaz tại quỹ đầu tư mạo hiểm Flint Capital nói với hãng tin CNBC.
Chỉ số MSCI Thị trường mới nổi tăng 1,1% trong năm 2016 sau khởi đầu gian nan hồi đầu năm nay. Cổ phiếu Trung Quốc lao dốc vào đầu năm do số liệu sản xuất yếu hơn dự báo, việc phá giá nhân dân tệ và động thái áp dụng cơ chế ngắt mạch thị trường chứng khoán.
“Cổ phiếu thị trường mới nổi bước vào xu hướng giảm từ năm 2011, với các thị trường con gấu (thị trường giảm điểm) được kích hoạt bởi nhiều dữ liệu kinh tế chạm đáy, các đánh giá và cảm giác về thị trường lên mức đỉnh điểm”, nhà quản lý Patrick Cadell của Liontrust Global Fund cho hay.
Ông Riaz nói thêm các nước như Thái Lan, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil vẫn có khả năng chịu áp lực mới về tăng trưởng kinh tế, vì giới đầu tư dần tập trung chú ý vào các nguyên tắc cơ bản. Để chứng khoán diễn biến tốt hơn, kỳ vọng tăng trưởng kinh tế của các thị trường mới nổi cần phải được cải thiện, nhà quản lý danh mục đầu tư chuyên về thị trường châu Á - Thái Bình Dương Emily Whiting tại JPMorgan Asset Management nhận định.
“Các nền kinh tế phát triển có thể sẽ tăng trưởng với tốc độ hiện giờ trong khoảng một năm tới, vì vậy các thị trường mới nổi cũng được kỳ vọng có đà tăng trưởng”, bà Whiting viết trong một nghiên cứu.
Hiện các dự đoán tiếp tục xoáy vào việc liệu Fed có nâng lãi suất một lần nữa vào tháng 6 hay không. Điều này sẽ tác động đến đô la Mỹ, nhiều loại tài sản trên toàn thế giới và các thị trường mới nổi. Ngoài ra, lãi suất tại Mỹ và các nền kinh tế lớn khác có thể khiến nhiều nhà đầu tư trở lại với các thị trường phát triển.
“Trong ngắn hạn, nhiều thứ phụ thuộc vào đường đi của USD, yếu tố vốn ảnh hưởng rất lớn đến dòng chảy thị trường mới nổi và định giá”, bà Whiting cho biết.
Hiện tại, các loại tiền tệ châu Phi trung bình đã giảm từ đầu năm đến nay, một phần vì sức mạnh của chúng gắn liền với USD. Trong khi đó, giá dầu vừa phục hồi một chút, dầu thô WTI và Brent đang ở khoảng 50 USD/thùng. Giá dầu tăng có thể là rủi ro với các nước nhập khẩu hàng hóa như Ấn Độ - một trong các nền kinh tế mới nổi đang tăng trưởng nhanh nhất.
Dù vậy, các thị trường mới nổi vẫn có số dân lớn, chiếm khoảng 70% dân số thế giới. Vì thế, tổng sản phẩm quốc nội ở những nước này tăng lên là chuyện tất yếu, ngay cả khi một số nước chịu suy thoái trong thời gian gần đây.
Theo ông Riaz, sự cường điệu xung quanh tình hình các thị trường mới nổi khiến rất nhiều nhà đầu tư nhảy vào rồi mất tiền vì không nghiên cứu hay có chiến lược đúng. “Những nhà đầu tư thành công trong việc am hiểu văn hóa địa phương sẽ thu lợi thực sự trong 10 - 15 năm tới”, đối tác quỹ đầu tư Flint Capital kết luận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.