Giấc mơ Việt hóa nhạc kịch Mỹ

18/08/2017 06:54 GMT+7

Việc vở nhạc kịch Mỹ Chicago phiên bản Việt của nhóm Buffalo thông báo tạm hoãn lịch diễn vào cuối tháng 8, do chưa đạt được thỏa thuận với đơn vị giữ bản quyền, khiến không ít khán giả yêu thích loại hình sân khấu này hụt hẫng.

Trong khi nhạc kịch Việt còn thiếu những tác phẩm đạt chuẩn, đủ hay thì Việt hóa các vở nổi tiếng thế giới được xem là một lựa chọn để thu hút khán giả đến với loại hình này. Ngay từ khi thành lập, nhóm Buffalo đã được công chúng quan tâm từ những vở nhạc kịch Việt hóa các tác phẩm đình đám của Mỹ như Chicago, High school musical… (mua bản quyền dành cho nhóm kịch không chuyên).
Gần 5 năm qua, tuy Buffalo có không ít đêm diễn thua lỗ hàng trăm triệu đồng, một vài thành viên đã rời nhóm, song nhóm đã tiến bộ dần qua từng vở diễn trên các sân khấu lớn nhỏ của TP.HCM. Dù được ghi nhận với vở nhạc kịch thuần Việt như Tấm Cám hay sắp tới sẽ có nhạc kịch về Nguyên phi Ỷ Lan, Thủy Tinh - đứa con thứ 101, Buffalo vẫn quay trở lại với Chicago - vở nhạc kịch đã được diễn hàng ngàn suất trên sân khấu Broadway từ năm 1975 đến nay, thu hút hàng triệu khán giả khắp thế giới. Lý do, theo đạo diễn Khắc Duy, là để tiếp tục theo đuổi giấc mơ Việt hóa những vở nhạc kịch lớn của thế giới, và cũng để Buffalo học tập cách làm việc chuyên nghiệp hơn trong mọi khâu: tổ chức sản xuất, tập luyện, thiết kế, dàn dựng... một vở nhạc kịch.


Các diễn viên khi tham gia những vở nhạc kịch thời gian qua đều gặp ít nhiều trở ngại, người hát hay thì diễn chưa đạt hoặc diễn được thì vũ đạo chưa đẹp, người vũ đạo và diễn xuất tốt lại bị hạn chế về chất giọng


Ca sĩ Võ Hạ Trâm


Tuy nhiên khi Chicago một lần nữa được đầu tư dàn dựng công phu để chuẩn bị ra mắt vào cuối tháng 8 này, nhóm đã vấp phải khó khăn. “Đối tác bán bản quyền ban đầu đồng ý, nhưng sau khi nhìn thấy hình ảnh vở diễn được quảng bá trên trang bán vé online, họ lại yêu cầu chúng tôi phải thực hiện bản dành cho người chuyên nghiệp. Và kèm theo là những điều khoản khắt khe mà chúng tôi không thể đáp ứng được”, Vũ Hoàng Quân, nhà sản xuất và cũng là diễn viên của Buffalo, buồn bã cho biết.
Theo Quân, một trong những yêu cầu của phía Mỹ ở vở Chicago là phải có dàn nhạc lớn (bigband) chuyên về jazz, tối thiểu 16 nhạc công để biểu diễn live trên sân khấu cùng các diễn viên. Trong khi đó, theo nhìn nhận của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, “bigband” đúng nghĩa thì VN hiện nay chưa có. Vì vậy anh cho rằng nhà sản xuất tâm huyết với nhạc kịch nên bắt đầu mời các nhạc sĩ chuyên nghiệp tập hợp, quy tụ nhạc công, và tổ chức tập luyện cùng nhau để chuẩn bị cho những vở nhạc kịch lớn. Dù vậy, Buffalo vẫn cố gắng “đàm phán” và được phía Mỹ đồng ý để biểu diễn 5 suất của Chicago với bản quyền cho người không chuyên, dự kiến sẽ diễn vào mùa Noel tới.
Đào tạo diễn viên nhạc kịch
Anh Nguyễn Tân, đại diện truyền thông của Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM, cho biết một trong những yêu cầu quan trọng khác được đề cập khi các đơn vị trong nước mua bản quyền các vở diễn nước ngoài (chủ yếu là nhạc kịch hiện đại, vì các vở kinh điển được sử dụng miễn phí do không còn thời hạn bảo hộ bản quyền), còn là năng lực diễn viên. “Thực tế cho thấy các diễn viên khi tham gia những vở nhạc kịch thời gian qua đều gặp ít nhiều trở ngại, người hát hay thì diễn chưa đạt hoặc diễn được thì vũ đạo chưa đẹp, người vũ đạo và diễn xuất tốt lại bị hạn chế về chất giọng. Đây cũng là bài toán khó để nhạc kịch Việt hóa hay nhạc kịch Việt nói chung phát triển”, ca sĩ Võ Hạ Trâm nói.
Do đó đạo diễn Ngọc Hùng (Sân khấu Thế Giới Trẻ), cho biết khi Thế Giới Trẻ dựng vở nhạc kịch Trót yêu, chỉ có phần “kịch” là live, còn phần nhạc (hát) buộc phải thu âm sẵn để đảm bảo chất lượng âm thanh cũng như hỗ trợ nghệ sĩ không hụt hơi khi diễn trọn vở. Trong khi đó, các vở của Mỹ yêu cầu diễn viên phải hát live toàn bộ.
Trong tình hình đó, những ca sĩ, diễn viên đam mê nhạc kịch có thể chủ động ra nước ngoài tìm hiểu, học tập, như Đức Tuấn, Võ Hạ Trâm, Nam Khánh đã từng làm trong thời gian qua. Đức Tuấn cho rằng cần có sự kết hợp của các trường âm nhạc chuyên nghiệp VN để đưa học sinh đi học tại những nước đã phát triển bộ môn nhạc kịch thì mới có thể hình thành một lực lượng diễn viên nhạc kịch chuyên nghiệp. Còn cách làm của nhà sản xuất, ca - nhạc sĩ Thanh Bùi khi đưa vở nhạc kịch The secret garden về VN là tuyển chọn diễn viên rồi cho họ tập luyện dưới sự hướng dẫn của đạo diễn, nghệ sĩ nước ngoài chuyên về nhạc kịch được anh mời về giảng dạy. Đây được coi là giải pháp khả thi trong tình hình hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.