Kế hoạch kỹ lưỡng của “người từ Nhật Bản đi ra”
Chủ tịch Sài Gòn FC Trần Hòa Bình hướng đến sau Cao Văn Triền và Trần Danh Trung, có thể sẽ có thêm 2 cầu thủ nữa được “xuất khẩu” sang Nhật Bản năm 2021, và thêm 6 người vào năm tiếp theo. Dự kiến từ giờ đến tháng 7, Cao Văn Triền và Trần Danh Trung sẽ được tạo điều kiện học ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản, cải thiện kiến thức dinh dưỡng... Đặc biệt, sẽ có 1 phiên dịch chuyên trách cho các cầu thủ Việt Nam tại FC Ryukyu để nhanh chóng giúp họ hòa nhập. Đây là điểm hoàn toàn mới và khác biệt so với những người tiên phong mở đường trước đó.
Bình luận viên Vũ Quang Huy nhận định: “Tôi cho rằng Sài Gòn FC đã nghiên cứu, thăm dò khoa học vì trình độ J-League 2 là khả thi với cầu thủ Việt Nam. Thêm nữa, vị trí của Cao Văn Triền không đòi hỏi thể hình ghê gớm trong khi em có những tố chất rất chuẩn mực của “máy quét”. J-League 2 không quá sức với cầu thủ bắt đầu vào độ chín như Triền. Trần Danh Trung là mẫu cầu thủ tấn công chơi kỹ thuật và cầu tiến. Tôi để ý J-League có những mẫu cầu thủ tấn công nhỏ cơm, mỏng người vẫn có đất diễn. Chúng ta có cơ sở lạc quan với 2 phép thử: 1 trẻ, 1 trưởng thành. Tôi cho rằng đó cũng là một cách biến chuyển khái niệm xuất khẩu cầu thủ.
Ngày trước chúng ta tâm niệm hoàn cảnh khác biệt quá, nên tốt nhất đưa các em cầu thủ sang nước ngoài từ bé để làm quen với môi trường. Nhưng Công Phượng, Tuấn Anh “tuổi ăn, tuổi lớn” đi đôi với non nớt trong khi mặt bằng chung của cầu thủ Việt Nam vẫn kém hơn trong sự chuẩn bị chuyên môn, văn hóa, ngoại ngữ... Nay Cao Văn Triền là cầu thủ hay nhất Sài Gòn FC, đang là tuyển thủ quốc gia giàu tính chiến đấu để chiếm suất đá chính ngay lập tức. Ở tuổi 28, Triền sẽ thích nghi tốt hơn, vẫn có thể tiến bộ tại Nhật Bản, và quan trọng nhất có thể khẳng định mình ngay lập tức để tạo niềm tin cho đối tác”.
“Nền tảng Việt Nam vẫn kém hơn các nước, không thể so Son Heung-min được cả gia đình sang châu Âu để hậu thuẫn cho con. Mô hình tốt nhất vẫn là trao cơ hội cho những cầu thủ đạt độ chín, chơi ở vị trí CLB nước bạn đang thật sự cần. Chúng ta sẽ ít phiêu lưu và mọi chọn lọc đưa ra phải thật lý tính. Nói cách khác, Việt Nam được mở kênh để lên “sàn giao dịch cầu thủ”. Đó là mối quan hệ “có cung - có cầu” để đưa lên sàn những cầu thủ có chất lượng giống những mặt hàng thiết yếu mà các CLB cần. Càng thú vị khi Sài Gòn FC không ích kỷ mà chia sẻ cơ hội cho các CLB khác, những người cho cầu thủ xuất ngoại mà vẫn giữ quyền sở hữu cầu thủ trong tay. Tôi đang thấy lộ trình mở sàn giao thương cầu thủ giữa Việt Nam và Nhật Bản của Sài Gòn FC là rất đáng chờ đợi”, bình luận viên Quang Huy đánh giá.
Kênh hợp tác bóng đá Việt Nam trên sàn cầu thủ quốc tế
Ông Đỗ Mạnh Dũng, Giám đốc Trung tâm thể thao Viettel, cho biết: “Việc đưa cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài thi đấu là xu hướng đúng đắn của bóng đá Việt Nam. Viettel sẽ tạo điều kiện hết sức để các cầu thủ của mình có cơ hội xuất ngoại. Khi được tập luyện, thi đấu trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp, nhất là ở những CLB thuộc nền bóng đá tiên tiến của thế giới và châu lục, cầu thủ sẽ trưởng thành và tiến bộ vượt bậc về trình độ. Sau thời gian được xuất ngoại, cầu thủ đó quay về và với những kiến thức đã được truyền thụ cũng như với kinh nghiệm thực tiễn có được ở CLB nước ngoài, họ sẽ tiếp tục cống hiến cho bóng đá Việt Nam.
Chúng tôi hy vọng và đặt niềm tin lớn vào Trần Danh Trung - cầu thủ Viettel đầu tiên bơi ra biển lớn. Cách đây chưa lâu, đích thân các chuyên gia Nhật Bản và lãnh đạo CLB Sài Gòn đã ra Hà Nội, đến Trung tâm thể thao Viettel. Họ đã quan sát cơ sở vật chất của trung tâm, làm việc kỹ với chúng tôi về sự hợp tác hiện tại và tương lai. Phía bạn muốn nhận một số cầu thủ Viettel nhưng trước mắt, chúng tôi đồng ý cho Danh Trung sang Nhật. Đôi bên đã đàm phán chuyên môn và Trung sẽ ký hợp đồng thi đấu trong 1 năm. Sau này, Trung sẽ được sử dụng tại V-League. Chúng tôi mong mỏi cả Văn Triền và Danh Trung sẽ không ngừng học hỏi, rèn luyện để trở thành những cầu thủ thực sự có giá trị”.
“Chúng ta đang chứng kiến một CLB Việt Nam từng bước quốc tế hóa mô hình bóng đá chuyên nghiệp, không đi theo đường lối cũ. Đó sẽ là một mô hình để các CLB Việt Nam nhìn theo, đánh giá và đối chiếu, rút kinh nghiệm. Tôi đặc biệt thú vị với việc Sài Gòn FC chia sẻ cơ hội cho các CLB V-League. Điều này mở ra cơ hội cả những đội khó khăn tài chính vẫn có cơ hội tham gia xuất khẩu cầu thủ để tạo nguồn thu. Nếu thành công, Sài Gòn FC sẽ mở ra cây cầu mới vững chắc về giấc mơ xuất ngoại cho biết bao cậu bé Việt Nam mong ước làm cầu thủ chuyên nghiệp. Đó là việc làm có lợi cho nhiều bên. Sài Gòn FC tất nhiên hưởng lợi khi quảng bá cho Nhật Bản biết họ đưa cầu thủ sang đây. Tôi hy vọng cầu thủ Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển, vươn ra ngoài và nâng tầm chứ không luẩn quẩn trong nước. Hãy tưởng tượng khi có 6 - 7 cầu thủ Việt Nam tại Nhật Bản. Điều đó chỉ tốt cho bóng đá Việt Nam mà thôi!”, ông Xương nhận định.
Bình luận (0)