Giải 2 'bài toán' để bảo tồn loài động vật thuộc gen cổ đại ở Trường Sơn

04/08/2022 16:06 GMT+7

Trước nguy cơ loài động vật mang gen cổ đại ở Trường Sơn bị tuyệt chủng, các chuyên gia bảo tồn đã đưa ra một số giải pháp để bảo tồn, trong đó có 2 'bài toán' liên quan mật thiết với nhau...

Ngày 4.8, tại H.Nam Giang (Quảng Nam), Ban quản lý Vườn quốc gia Sông Thanh phối hợp với Trường Đại học Nông lâm TP.HCM tổ chức hội thảo “Hiện trạng và giải pháp bảo tồn loài mang lớn ở Việt Nam”.

Động vật mang gen cổ đại

Hội thảo tổ chức nhằm mục đích hợp tác, đồng bộ và thống nhất giữa các đơn vị trong mạng lưới để từ đó đề xuất kế hoạch, chiến lược phù hợp nhằm bảo tồn loài mang lớn ở Việt Nam. Đồng thời, hướng tới hình thành mạng lưới liên kết bảo tồn loài mang lớn tại Việt Nam để có thể thúc đẩy và thống nhất các giải pháp bảo tồn loài mang lớn tại các khu rừng đặc dụng thuộc dãy Trường Sơn.

Ông Đinh Văn Hồng, Phó giám đốc phụ trách Ban quản lý Vườn quốc gia Sông Thanh, phát biểu mở đầu hội nghị

MẠNH CƯỜNG

Phát biểu mở đầu hội nghị, ông Đinh Văn Hồng, Phó giám đốc phụ trách Ban quản lý Vườn quốc gia (VQG) Sông Thanh, cho biết VQG Sông Thanh nằm trên địa bàn 12 xã thuộc 2 huyện miền núi cao Nam Giang và Phước Sơn, có tổng diện tích tự nhiên vùng lõi gần 77.000 ha.

Khu vực này cũng tiếp giáp nhiều khu bảo tồn, VQG thuộc dãy Trường Sơn và biên giới giữa Việt Nam - Lào tạo thành một hệ thống khu bảo tồn rộng lớn, sinh cảnh đa dạng của các hệ sinh thái, là nơi trú ngụ thích hợp và phù hợp cho công tác bảo tồn, phát triển của các loài động, thực vật quý hiếm.

Nơi đây ghi nhận hơn 881 loài thực vật bậc cao (trong đó có 25 loài đặc hữu của Việt Nam, 54 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam); 67 loài thú, 127 loài chim, 112 loài bò sát, 56 loài lưỡng cư, 103 loài cá.

Theo ông Hồng, sự hiện diện của các loài đặc hữu đã làm tăng giá trị bảo tồn đa dạng sinh học của VQG này, như các loài voọc chà vá chân nâu, voọc chà vá chân xám, mang Trường Sơn…; trong đó, có cả loài mang lớn.

Mang lớn là một loài động vật nguy cấp, đặc hữu sinh sống trong sinh cảnh rừng thuộc dãy Trường Sơn. Mặc dù mới được phát hiện vào những năm 1990 cùng với sao la, thỏ vằn Trường Sơn, nhưng loài mang lớn cũng là loài thú móng guốc có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới vì có khu vực phân bố nhỏ nhất trong các loài thú móng guốc khác.

“Loài mang lớn được đánh giá là loài cực kỳ nguy cấp theo danh mục của Liên minh Quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN). Tuy nhiên, tại Việt Nam, cho đến nay chúng ta vẫn chưa có một chiến lược bảo tồn cụ thể nào để bảo vệ các quần thể mang lớn đang có nguy cơ tuyệt chủng này”, ông Hồng nói.

Tháo gỡ bẫy đặt trong Vườn quốc gia Sông Thanh

C.X

Bà Võ Thị Bích Thùy, giảng viên Trường Đại học Nông lâm TP.HCM, cho biết theo nghiên cứu, sao la và mang lớn là 2 loài động vật thuộc gen cổ, thời cổ đại. Đối với 2 loài này, nếu không có sự quan tâm, bảo vệ sinh cảnh đúng mức thì chúng có nguy cơ tuyệt chủng rất cao.

“Mục đích của hội thảo lần này là để các VQG trên dãy Trường Sơn cùng bắt tay nhau tạo thành một hành lang bảo vệ sinh cảnh cho mang lớn tránh nguy cơ tuyệt chủng. Đây cũng là cơ hội để bảo tồn loài động vật đặc biệt quý hiếm này nhằm lưu trữ nguồn gen cổ đại còn duy nhất ở Việt Nam”, bà Thùy nói.

Tạo sinh kế để người dân thoát ly khỏi rừng

Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam, bày tỏ lo ngại về thực trạng ở rất nhiều khu vực mang lớn đang sinh sống hiện người dân đặt bẫy dây hay dùng súng săn bắn. Đã có rất nhiều cá thể sao la dính bẫy và chết.

“Để tránh tình trạng săn bắt động vật hoang dã, không còn cách nào khác là phải tăng cường tuần tra, bắt, gỡ bẫy và xử lý các hành vi vi phạm. Cần tuyên truyền cho người dân hiểu rõ hơn những chủng loài mà chúng ta đang có để thấy được giá trị của sự đa dạng sinh học. Để thực hiện điều này thì chính quyền, người dân, công an, kiểm lâm… cũng phải vào cuộc. Đặc biệt, phải tạo sinh kế để người dân thoát ly khỏi rừng”, ông Thái đề xuất.

Một cá thể mang lớn lần đầu tiên ghi nhận tại Quảng Nam vào năm 2018

ẢNH: LEIBNIZ - IZW, WWF-VIỆT NAM

Theo ông Thái, năm 1992, cá thể sao la lần đầu tiên phát hiện tại dãy Trường Sơn nhưng đến nay sao la hầu như đã vắng bóng. Tình trạng này cần tránh lặp lại đối với loài mang lớn.

Ông Nguyễn Đức Tú, Điều phối viên của IUCN Việt Nam, cũng nhắc chuyện Việt Nam từng có bầy bò tót nhưng cuối cùng vẫn tuyệt chủng. Lần cuối cùng nhìn thấy sao la cách đây cũng đã 9 năm. Vì vậy, đối với loài mang lớn, cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc để có kế hoạch, chiến lược bảo tồn hiệu quả.

“Ở nhiều nơi và mới đây là VQG Sông Thanh đã phát hiện nhiều cá thể mang lớn, vì vậy cơ hội để chúng ta bảo tồn chủng loài này vẫn còn kịp”, ông Tú nói.

Tuy nhiên, theo ông Tú, để bảo tồn mang lớn thì ngay bây giờ giải quyết được 2 "bài toán" về kinh tế và chính trị.

Về chính trị, phải có sự liên kết, vào cuộc của chính quyền địa phương từng huyện, tỉnh cho đến các quốc gia khác. Mà muốn làm được việc đó thì phải có... kinh phí, để thực hiện một cách rốt ráo, chuyên nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.