Giải 'bài toán' cho ngành y: Xã hội hóa đúng nghĩa, phát triển y tế tư nhân

10/09/2022 06:11 GMT+7

Xã hội hóa là tất yếu để thực hiện mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân trong bối cảnh nguồn lực công “không bao giờ đủ”, nhưng vấn đề là chính sách xã hội hóa y tế thế nào để hiệu quả và đúng nghĩa.

Xã hội hóa y tế về bản chất là huy động các nguồn lực trong xã hội, ngoài ngân sách nhà nước - thực chất là tư nhân, tham gia đầu tư vào các hoạt động y tế, chăm sóc sức khỏe. Khi khu vực y tế tư nhân càng mở rộng, khu vực y tế công sẽ càng có điều kiện tập trung nguồn lực cho mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân, nhất là người nghèo.

“Đó là xã hội hóa đúng nghĩa”, TS Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia chính sách công, nói và cho rằng chúng ta đang lẫn lộn, thậm chí đồng nhất xã hội hóa y tế với việc liên doanh, liên kết, đưa tư nhân vào bệnh viện (BV) công, dẫn đến nhiều hệ lụy.

Đăng ký khám bệnh tại bệnh viện

Ngọc Thắng

Cơ chế đột phá cho y tế tư nhân

Xã hội hóa theo hướng mở rộng khu vực y tế tư nhân là xu hướng của các nền y tế phát triển trên thế giới. Thực tế tại Việt Nam, theo ông Phạm Văn Học, Chủ tịch HĐQT - Giám đốc BV đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ), hiện chỉ có vỏn vẹn 300 BV tư đáp ứng trên 5,16% giường bệnh. Một con số khá èo uột trước hệ thống hơn 1.200 BV công từ tuyến T.Ư tới tuyến xã.

Trong khi đó, dù nhấn mạnh “đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực phát triển hệ thống y tế”, song Nghị quyết 20 của Hội nghị T.Ư 6 khóa XII chỉ đặt mục tiêu đến 2025 khu vực tư chiếm 10%, năm 2030 là 15% (số giường bệnh). “Có thể nói, về mặt chủ trương Việt Nam rất dè dặt, chưa cởi mở cho y tế phát triển theo xu hướng thế giới. Đến 2030, BV công vẫn chiếm 85% là quá lớn, ngân sách khó có thể phục vụ được”, ông Học nhìn nhận.

Chưa xác định rõ xã hội hóa là gì

Góp ý dự thảo luật Khám, chữa bệnh sửa đổi tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 8.9, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh Trịnh Xuân An về nội dung xã hội hóa trong khám chữa bệnh, dự luật đang chép lại Nghị quyết 20 mà không làm rõ được xã hội hóa là gì. “Nó là thuê máy, thuê nhân sự, hợp tác trong việc xây dựng các BV giữa công và tư?... Tôi đề nghị phải cụ thể thêm điều này. Chúng ta viết lại theo nghị quyết này thì rất không rõ”, ông An nói.

Dẫn chứng dự luật quy định về hình thức thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám, chữa bệnh bao gồm: hình thức đầu tư theo đối tác công - tư (PPP) và các hình thức xã hội hóa khác; Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Long (Đồng Nai) cho rằng khi thiết kế điều luật, “chúng ta chưa xác định được chính sách xã hội hóa thu hút là gì”. Giải trình sau đó, quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan thừa nhận, phải có nghiên cứu, rà soát, chỉnh sửa một cách tổng thể nhất để làm cụ thể hóa nội dung này trong dự luật.

Theo nhiều chuyên gia, sự dè dặt trong chủ trương ở cấp cao nhất khiến những chính sách ở hạ tầng chưa thực sự khuyến khích khu vực tư. Từ góc nhìn đầu tư, ông Học cho rằng cần nhiều ưu đãi hơn mới khuyến khích nhà đầu tư “lao vào được”. “Đầu tư xây dựng BV, mua máy móc và thiết bị rất đắt tiền, tốn hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng, nhưng mỗi ngày chụp mỗi ca chỉ 500.000 - 1 triệu đồng, rất lâu thu hồi vốn. Các chính sách nói là ưu đãi vay vốn nhưng khó tiếp cận được”, ông Học nêu.

Không chỉ khó tiếp cận, theo ông Học, những chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư dù trên quy định của Chính phủ khá rõ, nhưng mỗi địa phương lại áp dụng một kiểu khác nhau. Ông Học cho rằng đây là nguyên nhân chính khiến hệ thống BV tư mới đạt “một con số rất khiêm tốn” như hiện nay. “Nếu không có chính sách đột phá nhằm khuyến khích khu vực y tế tư nhân phát triển thì ngay cả mục tiêu rất dè dặt về tỷ lệ giường bệnh tư nhân trong Nghị quyết 20 cũng khó đạt được”, ông Học nói.

Trong khi đó, từ góc độ thị trường, TS Nguyễn Quang Đồng đề xuất cần phải tạo cơ chế cạnh tranh công - tư trong tiếp cận nguồn chi trả từ BHXH như một công cụ thị trường để nâng cao hiệu quả BV công; đồng thời khuyến khích tư nhân phát triển. Ông Đồng cho rằng rất nhiều phòng khám tư nhân đang phải “chạy chọt” để vào được hệ thống chi trả BHXH.

Trong khi đó, đáng lẽ khi các phòng khám đã đủ điều kiện hoạt động - tức là khám chữa bệnh cho bệnh nhân thì đương nhiên phải được khám BHYT - tức là BHXH chi trả. “Lúc đó BV công phải cạnh tranh với nhau về chất lượng dịch vụ và cạnh tranh cả với BV tư. Như thế thì tư nhân cũng mới phát triển được”, ông Đồng nhấn mạnh.

Giải bài toán về mặt tư duy

Cùng với chính sách khuyến khích y tế tư nhân nói chung, những chính sách thúc đẩy doanh nghiệp xã hội không vì mục đích lợi nhuận cũng được nhiều chuyên gia khuyến nghị cần được nhà nước quan tâm.

TS Trần Tuấn, chuyên gia chính sách y tế, cho rằng “chủ thể thứ 3” của hệ thống y tế - y tế ngoài nhà nước phi lợi nhuận rất phổ biến ở các nền y tế phát triển, song tại Việt Nam toàn bộ hệ thống pháp lý lại xem chủ thể thứ ba này tồn tại như là một thực thể chăm sóc y tế đích thực của xã hội. “Khi môi trường y tế chỉ toàn công tư hợp tác, cộng thêm sự thiếu vắng giám sát và phản biện độc lập, giá dịch vụ y tế tăng ngoài sự kiểm soát là không thể nào tránh khỏi”, ông Tuấn nói.

3 hình thức hợp tác công - tư trong y tế

Nhiều chuyên gia cho rằng trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, hợp tác công - tư là cần thiết giúp tận dụng nguồn lực bên ngoài. Vấn đề là hình thức hợp tác ra sao để thu hút nguồn lực xã hội.

Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang cũng đề xuất xác định lại nội hàm của xã hội hóa thay vì coi xã hội hóa là liên doanh, liên kết, cho thuê máy… trong BV công như hiện nay. Cho rằng, chuyện tư túi, móc ngoặc, nâng giá trong liên doanh, liên kết thời gian vừa qua là hiện tượng chứ không phải bản chất,

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược kinh tế VN, nhìn nhận điều này sẽ được giải quyết khi xác định lợi nhuận từ hợp tác, liên kết phải được phục vụ BV.

Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu đề xuất quy định 3 hình thức hợp tác công - tư trong y tế, gồm: cho vay có ưu đãi để BV mua sắm đầu tư; thuê và cho thuê trang thiết bị khám chữa bệnh và hợp tác công - tư phi lợi nhuận. Hợp tác công tư - phi lợi nhuận, theo ông Hiếu, nghĩa là các nhà hảo tâm, các quỹ người ta xây dựng BV và cho các BV công vận hành BV đấy, lợi nhuận nếu có không chia cho nhau mà tiếp tục giữ lại đầu tư để phát triển BV, nâng cao đời sống nhân viên, hỗ trợ bệnh nhân nghèo, hoàn cảnh khó khăn.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Quốc hội Đặng Thuần Phong nhìn nhận khuyến khích mô hình phi lợi nhuận là giải pháp hay cho bài toán ngành y tại Việt Nam. “Mình cũng nghiên cứu nhiều mà tôi không biết tại sao không áp dụng thôi”, ông Phong nói và cho biết thực tế Việt Nam có nhiều tổ chức, doanh nghiệp tư nhân muốn lập các cơ sở phi lợi nhuận như trung tâm cai nghiện ma túy, thuốc lá, song đang vấp phải rào cản rất lớn là các thủ tục hết sức nhiêu khê, nhiều “chuyện này, chuyện nọ”. Chưa kể, việc tiếp cận các ưu đãi của nhà nước đối với loại hình này cũng không dễ dàng. “Nó nhiêu khê, nó khó và nó làm người ta bất mãn và không còn hứng thú”, ông Phong nói và cho rằng “cần thay đổi nhiều thứ” mới có thể giúp mô hình này hình thành, phát triển tại Việt Nam. “Đây là giải bài toán về mặt tư duy. Tư duy có mở được thì chính sách nó mới thay đổi”, ông Phong nói.

Đồng tình với đề xuất mô hình phi lợi nhuận, song TS Nguyễn Quang Đồng cho rằng hiện luật Doanh nghiệp đã quy định về loại hình doanh nghiệp xã hội không vì lợi nhuận với nhiều ưu đãi. Do đó, các doanh nghiệp có thể tự lựa chọn tùy thuộc vào mục tiêu phát triển. Tuy nhiên, để tránh chuyện lợi dụng danh nghĩa không vì lợi nhuận để “treo đầu dê bán thịt chó” rồi ăn cắp nguồn lực công (các ưu đãi về thuế), ông Đồng cho rằng cần xác lập cơ chế giám sát bằng báo cáo kiểm toán độc lập hằng năm.

Trong khi đó, nhắc lại quan điểm cần phải tạo thị trường đúng nghĩa, TS Trần Tuấn cho rằng mấu chốt cuối cùng nằm ở chỗ: “Chúng ta có muốn giải bài toán này hay không?”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.