Giải bài toán 'được mùa mất giá'

10/03/2018 06:56 GMT+7

Sau Tết Mậu Tuất, nhà nông ở Quảng Nam đang điêu đứng vì giá nhiều loại rau quả rớt thê thảm. Vì vậy, họ mong chờ liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm.

Bỏ hư hơn thu hoạch
Những ngày sau tết, tại làng rau Bàu Tròn, xã Đại An (H.Đại Lộc, Quảng Nam) nhiều nhà nông mặt mày méo xệch khi bao công sức lẫn đồng vốn chắt chiu đầu tư cho những thửa ruộng đậu cô ve, mướp, khổ qua, giờ phải bỏ cả vì giá rớt thê thảm.
Giữa trưa, mưa bay lất phất, nhưng bà Huỳnh Thị Lựu và chồng là ông Phan Văn Tưởng vẫn loay hoay ngoài đồng nhổ bỏ mướp để trồng lại ớt. Nghe chúng tôi hỏi chuyện bán mua, bà Lựu buồn bã: “Trước tết giá còn đỡ đôi chút. Sau tết không ai ngờ nó rớt kinh hoàng. Hỏi mấy chú chớ đậu cô ve 2.000 đồng/kg, mướp 2.000 đồng/kg, khổ qua, dưa leo cũng giá 2.000 đồng/kg, rồi đu đủ, bí đao cũng ở tầm 2.000 - 3.000 đồng/kg thì bà con tui sống sao nổi”.
Còn ông Tưởng thêm vào: “Giá rứa đó mà chờ đỏ mắt cũng không có người mua, chớ đâu phải rẻ mà có người rước cũng mừng”. Vì vậy, nhiều gia đình không thèm ra ruộng chăm nom mà bỏ mặc cho… trời. Nhiều luống đậu cô ve, khổ qua ở làng rau Bàu Tròn trúng mùa, trái đầy từ gốc tới ngọn vẫn bị bỏ già, vì theo người dân công hái còn cao hơn giá bán thì… hái làm gì cho cực cái thân!
Ở H.Duy Xuyên, H.Thăng Bình, TX.Điện Bàn, TP.Hội An (Quảng Nam) hàng loạt nhà nông cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi các loại rau xà lách, cải, rau mùi, hành, ngò nhờ thời tiết thuận lợi, tươi tốt, được mùa nhưng giá chỉ còn 2.000 - 5.000 đồng/kg, khiến họ bỏ không thèm thu hoạch do giá quá bèo.
Nhiều loại quả bị nhà nông bỏ hư
Liên kết để cùng có lợi
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND TP.Hội An, cho biết tại làng rau Trà Quế, xã Cẩm Hà, UBND TP.Hội An cũng đang đầu tư nâng cao chất lượng các loại rau, xây dựng thương hiệu để giới thiệu và đưa sản phẩm rau Trà Quế vào các cửa hàng bán rau sạch, các siêu thị. Về lâu dài, ngoài làm điểm đến phục vụ du khách trong và ngoài nước, TP.Hội An sẽ lựa chọn những doanh nghiệp “bài bản” để liên kết với nhà nông tiêu thụ sản phẩm rau Trà Quế nức tiếng trên 500 năm tại Hội An.
Dẫn chúng tôi ra thăm những cánh đồng ớt đang kỳ ra hoa kết trái ở làng Lệ Bắc, xã Duy Châu (H.Duy Xuyên), ông Nguyễn Phê, Giám đốc HTX nông nghiệp Lệ Bắc, kể rằng vào năm 2017 người dân ở Lệ Bắc trồng đến 35 ha ớt. Trái đẹp, chín đỏ mọng, nhà nông hy vọng thương lái đến thu mua, nhưng điệp khúc “được mùa rớt giá” đeo bám làm bà con mỏi mòn trông ngóng. “Giá ớt trái hái bán tại ruộng chưa tới 5.000 đồng/kg, có thời điểm chỉ còn 3.000 đồng/kg, khiến bà con lỗ nặng”, ông Nguyễn Phê nói. Hỏi ông năm ngoái rớt vậy, sao năm nay bà con mình còn trồng thêm diện tích từ 35 ha lên 42 ha, ông cười khà: “Đầu vụ, UBND và Phòng Nông nghiệp H.Duy Xuyên đã giới thiệu một doanh nghiệp về HTX ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm ớt cho nông dân. 256 hộ ở Lệ Bắc đã ký kết bán ớt với giá 5.000 đồng/kg ngay từ đầu. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cam kết sẽ tăng giá mua nếu thị trường có chuyển biến tăng giá”.
Ông Văn Bá Năm, Trưởng phòng Nông nghiệp H.Duy Xuyên, khẳng định nhà nông thường xuyên gặp phải bài toán khó: “Được mùa mất giá, được giá thì mất mùa”, nên không ít gia đình lao đao. Vì vậy, việc liên kết giữa 3 nhà: nhà nông - doanh nghiệp - nhà nước đang được các huyện ở Quảng Nam tập trung nhằm tìm ra “đáp số” cho bài toán khó nêu trên. “Khó nhất là tìm kiếm doanh nghiệp có tâm, có tầm, có nguồn lực tài chính rõ ràng để giới thiệu, ký kết hợp tác làm ăn, bao tiêu sản phẩm lâu dài cho nông dân. Còn cơ chế, chính sách, kể cả cơ cấu giống, tổ chức lại sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao cũng đã triển khai đến với người nông dân. Vì vậy, chỉ có liên kết mới hy vọng để bà con mình không chết trên chính mảnh đất của mình”, ông Năm chia sẻ về đáp số mà H.Duy Xuyên lẫn tỉnh Quảng Nam đang cố công giải suốt nhiều năm qua.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.