Giải bài toán khó 'thừa tiền, khát vốn'

15/03/2024 06:43 GMT+7

Tín dụng 2 tháng đầu năm tăng trưởng âm, các doanh nghiệp kêu vẫn khó tiếp cận vốn, lãi suất cao, trong khi đó ngân hàng khẳng định thanh khoản dồi dào, dư hàng chục nghìn tỉ đồng không cho vay được.

Chủ trì Hội nghị điều hành chính sách tiền tệ, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, tổ chức sáng 14.3 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các NH, doanh nghiệp (DN) phải đánh giá lại toàn bộ tình hình có khó khăn gì; lãi suất (LS) cho vay còn cao, nợ xấu có xu hướng tăng, do kiểm soát, chủ quan hay do các tổ chức tín dụng?

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu dự hội nghịẢnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu dự hội nghị

TTXVN

"Vì sao DN kêu thiếu vốn, khó tiếp cận vốn tín dụng trong khi tiền gửi của người dân vào NH tăng, dù LS giảm? Vốn huy động giảm LS nhưng cho vay vì sao chưa giảm LS được? Do thận trọng, cơ chế hay cục bộ, lo cho mình mà chưa lo cho người khác?", Thủ tướng đặt câu hỏi và nêu: "Làm thế nào để tiếp tục giảm LS cho vay, hệ thống NH cùng chia sẻ khó khăn với người dân, DN, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, phát triển đất nước?".

Rà soát, phân loại các dự án bất động sản để kịp thời có giải pháp tín dụng phù hợp đối với từng DN, từng dự án đủ điều kiện. Đồng thời, có tín dụng phù hợp với lĩnh vực BOT, BT giao thông, các dự án trọng điểm, xăng dầu…

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Lãi suất báo cáo thấp, lãi vay thực tế cao

Cho rằng đã có nhiều cuộc họp về vấn đề này nhưng vẫn chưa giải quyết được, theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa (DNNVV), cần dứt khoát giải "bài toán thừa tiền". NH không phải là nơi duy nhất cho DN vay, có thể là các gói hỗ trợ, các quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, quỹ sáng tạo… Bộ Tài chính có thể "bơm" tiền cho các quỹ, kiểm soát bằng cơ chế, bằng luật.

Ông Thân đặt câu hỏi: Dù LS cho vay bình quân theo báo cáo của NHNN hiện là 6,4%/năm, nhưng thực tế cho vay là bao nhiêu, hay vẫn 10%/năm? NH và các hiệp hội, DN cùng tham gia kiểm tra sẽ ra ngay được mức LS thực hiện này.

"Làm việc với cấp trên rất hay, nhưng đến các chi nhánh lại bị gây khó khăn. Câu chuyện ở đây là lãnh đạo NHNN phối hợp các hội sở NH để kiểm soát chi nhánh. Không thể vì cái vụn vặt này mà ảnh hưởng. Vốn nằm ở NH gần 14 triệu tỉ đồng thì buồn chứ không phải vui. Tiền dân gửi vào LS thấp sẽ chuyển sang kinh doanh vàng bạc, rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến tỷ giá", ông Thân chia sẻ.

Đại diện các ngành hàng xuất khẩu, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex), cho biết LS của các quốc gia top 5 xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới ở mức 3,5%/năm. Trong khi đó, mức LS vay trung bình với DN dệt may VN khoảng 7%/năm với DN tốt và khoảng 9%/năm đối với DN xấu. "VN đang có LS thực dương cao nhất trong các nước xuất khẩu dệt may", ông Trường nói. Riêng với Vinatex, dư nợ giảm 11% nhưng lãi phải trả tăng 10%, tức là so với năm 2022 thì giá vốn đắt hơn. Tính trên các hợp đồng tín dụng đến nay chưa thấy tổng lãi phải trả năm 2024 thấp đi so với năm 2023.

Còn theo ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sungroup, các chính sách hỗ trợ LS, giảm lãi vay giúp DN vay được LS thấp hơn năm ngoái. Song thực tế vẫn có sự chênh lệch giữa các khoản vay của NH thương mại (NHTM) cổ phần và NHTM nhà nước khá lớn, tới 4 - 5%. "Mong muốn của DN bất động sản là được tiếp cận vốn tín dụng thấp hơn. Đề nghị các NH duy trì LS thấp và giảm LS cho vay", ông Trường nêu.

Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, nói thẳng, mức LS cho vay vẫn cao và rất khó tiếp cận, đề nghị được hỗ trợ LS cho vay, đặc biệt là LS cho vay trung và dài hạn. Về tỷ giá, thay đổi 1% thì chi phí tăng thêm của Vietnam Airlines là 300 tỉ đồng, thay đổi 5% thì chi phí tăng thêm là 1.500 tỉ đồng. Do đó cần giữ tỷ giá ổn định ở mức thấp nhất có thể.

Ngân hàng muốn cho vay, nhưng…

Thừa nhận đang thừa tiền trong NH, thậm chí thừa hàng chục nghìn tỉ đồng là phí phạm, nhưng ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc NH TMCP VN Thịnh vượng (VPBank), khẳng định, nói rằng NH không muốn cho vay là không đúng; NH rất muốn, nhưng điều kiện nào để cho vay?

Giải bài toán khó 'thừa tiền, khát vốn'- Ảnh 2.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục giảm lãi suất cho vay, thúc đẩy sản xuất kinh doanh

NHẬT BẮC

Theo Tổng giám đốc VPBank, hiện NH này có hơn 40.000 DN vay vốn, hạn mức cấp tín dụng là 240.000 tỉ đồng, nhưng tổng giải ngân hơn 60.000 tỉ đồng, còn lại không giải ngân được do nhiều lý do. Đây là những DN đủ tiêu chuẩn nhưng họ không có đầu ra, không có phương án. Ông Vinh cho rằng, LS chỉ là một trong các yếu tố. Thực tế vừa qua LS đã giảm rất nhiều, vấn đề hiện nay phải tạo cơ hội cho các hiệp hội, DN.

"Nhà nước nên có một chương trình riêng để hỗ trợ bằng các chính sách tài khóa, bởi riêng chính sách tín dụng thì không thể đủ. Cạnh đó, cần xem lại vì sao một số chính sách đưa ra lại không chạy, có chính sách đưa ra giải ngân được ngay, nhưng có những chính sách đưa ra 2 năm không giải ngân được", ông Vinh nêu vấn đề.

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank, thì cho rằng dù triển khai nhiều biện pháp nhưng tín dụng vẫn có xu hướng giảm, một trong những nguyên nhân là do sức cầu yếu, người dân thận trọng thắt chặt chi tiêu. "Mặt khác, đâu đó còn những nguyên nhân chủ quan như thủ tục cho vay thiếu cởi mở hoặc là yêu cầu về tài sản đảm bảo. Nhưng đó có lẽ không phải là nguyên nhân trọng yếu", ông Ấn nói.

Lãnh đạo Agribank lý giải, bản thân các NHTM cũng e sợ nếu không thu được nợ mà thiếu tài sản đảm bảo hay giải ngân cho DN đang lỗ. Một thực tế trong hoạt động của hệ thống NHTM là cạnh tranh rất quyết liệt, giảm LS cho vay xuống rất thấp đối với các khoản vay mới để thu hút khách hàng tốt, thậm chí cho vay để trả nợ các NH khác; dẫn đến DN vay NH này để trả NH khác hoặc là đảo nợ cũ thành nợ mới để có LS thấp hơn…

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch HĐQT HDBank, kiến nghị tăng trưởng tín dụng nên đi đôi với xem xét chính sách tài chính, miễn giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ người dân và DN. Điều chỉnh biểu thuế suất thuế thu nhập cá nhân để "khoan sức dân", tăng khả năng tiêu dùng. Cạnh đó, cần sớm khôi phục niềm tin để thị trường trái phiếu DN phát triển trở lại, bên cạnh nguồn vốn từ NH để các DN, dự án có nguồn vốn dài hạn, bền vững.

Phân loại dự án bất động sản để cấp tín dụng kịp thời

Đánh giá cao những nỗ lực của ngành NH, song Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế. Tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm không cao, dù số tiền gửi tại các tổ chức tín dụng là rất lớn, hiện trên 13,6 triệu tỉ đồng (cuối năm 2023 là 13,8 triệu tỉ đồng). Đây là nguồn lực rất lớn cần khai thác. Cạnh đó, mặt bằng LS cho vay tuy đã giảm nhưng chưa tương xứng với mức giảm của mặt bằng LS huy động; LS cho vay đối với các khoản vay hiện tại đang còn cao. Nhiều DN phản ánh tiếp cận tín dụng còn khó khăn và LS cho vay còn cao.

Nợ xấu có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn rủi ro. "Giám sát nợ xấu ra sao? Phải chăng giám sát giữa NH từ T.Ư xuống chi nhánh chưa chặt chẽ, đông nhưng chưa mạnh, tồn tại này phải xử lý ngay", Thủ tướng nhắc và đặt vấn đề: có hệ thống kiểm soát, nhưng tại sao nợ xấu lại tăng, để xảy ra những vụ việc như 1 triệu tỉ đồng của NH SCB? Do đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát hệ thống NH, cải tổ lại hệ thống cơ quan thanh tra NH, chống tiêu cực.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục giảm lãi suất cho vay, thúc đẩy sản xuất kinh doanh - Ảnh: Ngọc Thắng

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục giảm lãi suất cho vay, thúc đẩy sản xuất kinh doanh

NGỌC THẮNG

Định hướng cho ngành NH thời gian tới, người đứng đầu Chính phủ đưa ra thông điệp "5 tăng, 5 giảm và 5 tăng tốc, bứt phá". Trong đó, 5 tăng gồm: tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ tín dụng; tăng tháo gỡ vướng mắc pháp lý và chất lượng tín dụng; tăng cường phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Nhà nước, NH, DN và năng lực quản trị điều hành của NH, của thị trường tài chính; tăng công khai, minh bạch về LS huy động, cho vay và chống tín dụng đen; tăng cường giám sát kiểm tra và phòng ngừa rủi ro, chống tham nhũng, tiêu cực.

"5 giảm" gồm: giảm lãi suất cho vay; giảm chi phí giao dịch, hoạt động; giảm thủ tục hành chính; giảm phiền hà, sách nhiễu; giảm tiêu cực, lợi ích nhóm, "sân sau"…

"5 tăng tốc, bứt phá" gồm: tăng tốc, bứt phá về số hóa; tăng tốc, bứt phá về chất lượng dịch vụ; tăng tốc, bứt phá về chất lượng nguồn nhân lực; tăng tốc, bứt phá về hạ tầng NH; tăng tốc, bứt phá về phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, góp phần tăng trưởng kinh tế.

Thủ tướng cũng lưu ý rà soát, phân loại các dự án bất động sản (BĐS) để kịp thời có giải pháp tín dụng phù hợp đối với từng DN, từng dự án đủ điều kiện. Đồng thời, có tín dụng phù hợp với lĩnh vực BOT, BT giao thông, các dự án trọng điểm, xăng dầu… Giao Bộ Xây dựng khẩn trương trình Chính phủ ban hành các nghị định hướng dẫn luật Nhà ở, luật Kinh doanh BĐS và các thông tư hướng dẫn; tinh thần là giảm cấp trung gian, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền… Bộ Công an khẩn trương ngăn chặn, xử lý tình trạng sở hữu chéo, thao túng tại các tổ chức tín dụng.

Bộ TN-MT khẩn trương trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật Đất đai. Đề xuất sửa đổi luật Khoáng sản, nhất là quy định liên quan thủ tục với mỏ vật liệu xây dựng thông thường. "Một mỏ đất, mỏ đá bình thường không thể có thủ tục như mỏ kim cương được", Thủ tướng yêu cầu và giao các địa phương phối hợp chặt chẽ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng, người dân, DN.

Khơi tín dụng cho các siêu dự án tỉ USD

Các dự án đầu tư của Petrovietnam có quy mô rất lớn, khối lượng vay rất lớn như dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn lên đến gần 5 tỉ USD… Nên có chính sách hỗ trợ các NH, đặc biệt là với các tập đoàn lớn, các dự án lớn, nâng trần hạn mức cho vay. Đồng thời, các dự án siêu lớn có thể tiếp cận và sử dụng nguồn tín dụng trong nước.

Ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí VN (Petrovietnam)

Tín dụng âm do tính chất mùa vụ và sức hấp thụ vốn yếu

Tính đến ngày 29.2, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, tốc độ giảm của tháng 2 đã chậm lại (-0,05%) so với tháng 1 (-0,6%). Tăng trưởng tín dụng giảm ở hầu hết lĩnh vực, chỉ 2 ngành tăng trưởng là BĐS (tăng 0,23%) và chứng khoán (tăng 2,56%). Nguyên nhân là do cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức thấp. Nhiều DN thu hẹp hoặc ngừng hoạt động do sức ép lạm phát, giá cả vật liệu tăng; thiếu đơn hàng; người dân tăng dự phòng và giảm vay chi tiêu…

Huy động vốn qua cổ phiếu, trái phiếu, vốn FDI tăng thấp, những khó khăn trên thị trường trái phiếu, BĐS chưa được giải quyết căn cơ, triệt để... khiến cho nguồn vốn phục vụ tăng trưởng tiếp tục tập trung vào tín dụng NH. Tỷ lệ tín dụng/GDP tăng cao (cuối năm 2023 khoảng 133%, tăng so với mức khoảng 125% cuối năm 2022), tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ.

Phó thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú

Vướng pháp lý, khó tín dụng

Tăng trưởng tín dụng BĐS trong 2 tháng đầu năm rất nhỏ, chỉ có 0,23%. Pháp lý đang là vướng mắc lớn nhất, chiếm đến 70% khó khăn của các DN và dự án. Hiệp hội đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án BĐS để đủ điều kiện tiếp cận tín dụng. Đây là giải pháp phi tín dụng rất hiệu quả để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.