Giải bài toán nguyên liệu mía cho niên vụ 2016 - 2017

12/11/2016 08:00 GMT+7

Hiện nay, ngành đường đang bước vào niên vụ mới 2016 - 2017 và có những lo ngại tình hình vùng nguyên liệu không đủ cung ứng cho sản xuất do những biến động về thời tiết, đặc biệt là tình trạng ngập lụt do hiện tượng La Nina.

Giải pháp tổ chức sản xuất ra sao là vấn đề được các nhà máy đường tập trung trong thời gian này.
Ngành Đường trong nước chủ động xây dựng vùng nguyên liệu
Theo thống kê của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, hiện cả nước có 40 nhà máy đường (NMĐ) với tổng công suất thiết kế đạt 155.300 tấn mía/ngày. Dù được dự báo sẽ gặp nhiều thách thức trong mùa vụ mới, một số nhà máy đường đã lên kế hoạch sản xuất cao hơn niên vụ mía đường ‎2015 - 2016. Đây được xem là tín hiệu tích cực cho ngành đường cả nước trong việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực.
Do đặc thù yếu tố nguyên liệu chiếm đến trên 80% giá thành sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu bền vững và chất lượng là giải pháp tiên quyết cho ngành mía đường. Tổng hợp từ báo cáo của các nhà máy đường trên cả nước, trong niên vụ ‎2016 - 2017, tổng diện tích vùng nguyên liệu các nhà máy có ký hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm là 239.100 ha, tăng 1.630 ha so với cùng kỳ. Dự kiến sản lượng ép mía 13,72 triệu tấn, cao hơn mức 12,93 triệu tấn của niên vụ trước; sản lượng đường đạt 1,52 triệu tấn, cao hơn so với 1,24 triệu tấn trong niên độ ‎2015 - 2016.
Tại một số nhà máy có quy mô lớn, công tác chuẩn bị cho mùa vụ mới được triển khai đồng bộ qua các khâu cơ giới hóa, tưới tiêu, quản lý thu hoạch và tổ chức cánh đồng lớn. Giải pháp này được nhà máy và nông dân cùng triển khai, từng bước khuyến khích mía chất lượng cao, tổ chức công tác nông nghiệp hợp lý để tối ưu hiệu quả như: Kiểm soát đầu công và sắp xếp lịch thu hoạch, kiểm soát mía cháy, điều phối bao tiêu tập trung và linh hoạt, tập trung 100% nguồn lực máy để thu hoạch mía theo yêu cầu của nông dân vào lúc chính vụ… Theo đó đảm bảo tính chủ động và năng suất, trữ đường của mía nguyên liệu.
Qua thực tế triển khai tại CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTCS, trực thuộc Tập đoàn TTC) niên vụ này, tổng năng lực thu hoạch mía bằng máy đạt 3.500 tấn/9.500 tấn mía/ngày, giúp giảm tổn thất khi thu hoạch 3-5% so các năm, giảm chi phí sản xuất. Tỉ lệ mía cháy giảm từ 15% (vụ ‎2014 - 2015) xuống còn 8% trong niên vụ ‎2015 - 2016, mục tiêu giảm xuống dưới 5% trong niên vụ mới. Việc áp dụng kĩ thuật chặt sát gốc giúp tăng thêm 2 - 4 tấn/ha so với đốn chặt cao gốc trước đây, góp phần tăng năng suất thực thu và thu nhập của người dân.
Niên vụ ‎2015 - 2016, nhờ áp dụng tưới hữu hiệu trên 40% diện tích, năng suất mía tăng bình quân 20%, đạt quanh mức 80 tấn/ha, tổng sản lượng mía đạt 1.090.000 tấn, tăng khoảng 110.000 tấn so với cùng kỳ. Đồng thời, trước tình hình mưa lớn kéo dài, TTCS đã chủ động điều tiết thời gian vào vụ muộn hơn so với năm trước nhằm giảm thiểu tác động của thời tiết, góp phần ổn định chữ đường và giảm chi phí trung chuyển mía cho nông dân.
TTCS thực hiện cơ giới hóa nông trường trồng mía tại các vùng nguyên liệu

Các chính sách này đã phần nào có tác động tích cực tới các hộ nông dân trong việc yên tâm gắn bó và ổn định với cây mía, thể hiện qua việc diện tích hợp tác trồng mía giữa các nhà máy và người dân duy trì ổn định qua các năm. Tổng diện tích đầu tư của TTCS tăng từ 12.000 ha lên 13.800 ha trong niên vụ ‎2015-2016.
Giải pháp đột phá từ các nông trường kiểu mẫu và nông dân tiêu biểu
Việc tăng cường đầu tư vùng nguyên liệu tập trung tại các nông trường kiểu mẫu và các hộ nông dân sản xuất tiêu biểu của toàn vùng. TTCS đã xác định, để gia tăng năng lực cạnh tranh với ngành đường khu vực, đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời chủ động hoàn toàn vùng nguyên liệu cho những niên vụ về sau, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà khoa học, nhà máy và đặc biệt không thể thiếu đó là những khách hàng trồng mía. Các nhân tố này được tập trung sinh hoạt trong Câu lạc bộ (CLB) năng suất chất lượng cao, với 10 nhóm trưởng đại diện như ông Nguyễn Văn Còn, ông Đặng Văn Hùng... cho các vùng nguyên liệu khác nhau. Các thành viên CLB thường xuyên gặp mặt và chia sẻ các kinh nghiệm quản lý thu hoạch, phương pháp tưới mía hiệu quả, kỹ thuật canh tác mía bằng cơ giới, kỹ thuật bón phân, phương pháp quản lý sâu hại hiệu quả, kỹ thuật chọn giống phù hợp cho từng vùng canh tác khác nhau.
Trong số rất nhiều nông dân tiêu biểu, ông Nguyễn Văn Còn được bầu làm chủ nhiệm CLB năng suất chất lượng cao trên 100 tấn mía/ha này. Ông cho biết “Việc thành lập CLB của nhà máy là một việc làm rất thiết thực, không gì bằng. Anh em những người trồng mía chúng tôi, cùng bộ phận kỹ thuật nông nghiệp của nhà máy 1 - 2 tháng lại gặp mặt nhau một lần, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những mặt đã làm được, cùng nhau khắc phục những điều khó khăn, tạo nên sự gắn kết sâu sắc giữa nhà máy với nông dân và giữa nông dân với nông dân, cùng nhau học tập những tiến bộ kỹ thuật, những mô hình sản xuất mới tại những địa phương khác, cùng nhau xây dựng ngành mía đường Tây Ninh phát triển bền vững”.
Ông Nguyễn Văn Còn, Chủ nhiệm CLB bao gồm các khách hàng nông dân tiêu biểu sản xuất giỏi và hợp tác với TTCS trong việc canh tác mía năng suất chất lượng cao

Cụ thể, từ vụ thu hoạch 2014 - 2015 với 24 thành viên, tổng diện tích là 53,7 ha; qua ứng dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến từ các cán bộ kỹ thuật nhà máy TTCS, tính đến thời điểm hiện nay, tổng số thành viên tham gia CLB có khoảng 50 nông dân, với tổng diện tích là 236,37 ha, ước năng suất bình quân đạt 94,8 tấn/ha, sản lượng đạt 22.046,6 tấn. Đáng chú ý, có những thửa đạt năng suất trên 140 tấn/ha. Rất nhiều nông dân làm giàu từ mô hình những cánh đồng kiểu mẫu này, và trở thành điển hình sản xuất cho nông dân trong vùng nguyên liệu họ phụ trách.
Đây chính là kết quả thực tế từ những giải pháp quyết liệt nhằm giải quyết thực tế sản xuất chưa theo quy mô lớn của ngành đường trong nước lâu nay. Việc tổ chức canh tác sản xuất tập trung, cơ giới hóa đồng bộ đã góp phần tiết giảm đáng kể chi phí nhân công, vận chuyển, phân bón, trang thiết bị vật tư, giảm thiểu giá thành sản phẩm.
Công ty cũng chú trọng đẩy mạnh cơ giới hóa, có chính sách hỗ trợ cho nông dân đầu tư đồng bộ trong khâu làm đất, trồng mía, tưới tiêu, thu hoạch để gia tăng năng suất và chất lượng mía, tiết giảm chi phí; đồng thời phối hợp với địa phương triển khai các biện pháp đầu tư thủy lợi phục vụ vùng mía nguyên liệu, có chính sách bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng, đa dạng hóa các sản phẩm sau đường. Trong giai đoạn thu hoạch, các nhà máy sẽ tập trung 100% nguồn lực máy để thu hoạch mía theo yêu cầu nông dân vào lúc chính vụ.
Vào cao điểm thu hoạch, các nhà máy dốc toàn lực 100% nguồn lực máy hỗ trợ thu hoạch mía cho nông dân

Với hiệu quả thực tế đã được chứng minh qua hợp tác với các hộ nông dân tại nông trường Thành Long, nông trường Bến Cầu, nông trường Tân Hưng… và khu vực biên giới Campuchia, dự báo năng suất và sản lượng mía nguyên liệu tại địa bàn tăng trưởng ổn định, trên cơ sở áp dụng quyết liệt và đồng bộ các giải pháp cơ giới hóa, tưới hiện đại, quản lý thu hoạch hợp lý, kiện toàn hệ thống quản lý công ty và tiếp tục hỗ trợ và sáp nhập các nông trường nhỏ vào các nông trường lớn.
Với sự chuẩn bị này, câu chuyện kiểm soát và giảm thiểu ảnh hưởng diễn biến phức tạp của thời tiết, tiến tới mô hình sản xuất tập trung tiên tiến, đã và đang được chủ động triển khai, hướng tới các bước tiến dài hơn cho ngành đường trước ngưỡng cửa hội nhập.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.