Giải bài toán quá tải cho sân bay: Dồn lực để Phú Quốc bứt phá hậu APEC

14/02/2025 06:18 GMT+7

Đăng cai APEC 2027 không chỉ là cơ hội lớn cho Phú Quốc khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch thế giới mà còn là bệ phóng để du lịch, kinh tế VN bứt phá. Do đó, cần có những cơ chế, chính sách đặc biệt ưu tiên để đảo ngọc nắm bắt được thời cơ vàng.

Không còn sớm để khởi động

APEC là Diễn đàn kinh tế của 21 nền kinh tế lớn tại châu Á - Thái Bình Dương, quy tụ những nhà lãnh đạo chính phủ, lãnh đạo các bộ, tổng giám đốc, doanh nhân từ 21 nền kinh tế và nhiều quốc gia khác. Cần phải nói thêm, 21 nền kinh tế thành viên APEC chiếm 62,2% GDP của thế giới và hơn một nửa thương mại toàn cầu; trong đó có những cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Không chỉ thu hút các chính khách và hàng vạn người tham dự trong những ngày diễn ra sự kiện, APEC còn tạo ra cơ hội lớn quảng bá điểm đến khi có hàng nghìn phóng viên từ các quốc gia. Do đó, tuần lễ cấp cao APEC diễn ra hằng năm đã và sẽ đưa địa danh diễn ra sự kiện trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới.

Giải bài toán quá tải cho sân bay: Dồn lực để Phú Quốc bứt phá hậu APEC- Ảnh 1.

Tòa nhà Khát Vọng hứa hẹn trở thành biểu tượng mới của đảo ngọc khi hoàn thiện đúng dịp APEC được tổ chức tại Phú Quốc

Ảnh: S.G

Năm 2017 khi Đà Nẵng đăng cai APEC, TP sông Hàn đã đón tới 6.000 phóng viên liên tục đưa tin, mang hình ảnh trung tâm du lịch biển miền Trung của VN lan tỏa khắp toàn cầu. Với quy mô và giá trị lớn như vậy, điểm đến nào khi được "chọn mặt gửi vàng" đều tận dụng triệt để từng cơ hội để thúc đẩy du lịch, dịch vụ, quảng bá hình ảnh quốc gia, cũng như xúc tiến những hợp đồng kinh doanh lớn để thu hút dòng vốn FDI cho giai đoạn sau sự kiện. Bởi, bên cạnh những nhà lãnh đạo, APEC sẽ thu hút 20.000 - 40.000 thương gia, doanh nghiệp (DN), khách du lịch... đến địa phương trong sự kiện. Theo ước tính của Viện Phát triển Gyeongbuk (Hàn Quốc, chủ nhà đăng cai APEC 2025), Hội nghị thượng đỉnh APEC sẽ tạo ra 97,2 tỉ won (670 triệu USD) sản lượng; 465,4 tỉ won giá trị gia tăng và tạo ra hơn 7.900 việc làm cho Hàn Quốc.

Cơ hội càng lớn, trọng trách càng nặng nề. Để được chọn là địa phương đăng cai APEC đã khó; để làm thành công, hiệu quả, lại càng khó hơn. Đơn cử, tham dự hội nghị APEC, những nhà lãnh đạo và đại biểu từ các quốc gia sẽ di chuyển bằng máy bay VIP. Như tại APEC 2023 ở San Francisco (Mỹ), nguyên Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida di chuyển bằng máy bay Không quân Nhật Bản 1 (Boeing 777), Thủ tướng Úc Anthony Albanese sử dụng máy bay Không quân Hoàng gia Úc 381 (Airbus A330 MRTT), Tổng thống Chile Gabriel Boric đến bằng máy bay Không quân Chile 1 (Boeing 737)... cùng nhiều đoàn xe hỗ trợ sự kiện. Điều đó đòi hỏi các sân bay cần đảm bảo hạ tầng đường băng, phòng chờ, bãi đỗ máy bay, bãi đỗ ô tô phục vụ chu đáo cho sự kiện. Sân bay quốc tế San Francisco (SFO) đã nâng cấp nhà ga Harvey Milk 1, mang đến các tiện nghi hàng đầu và được Travel - Leisure vinh danh là sân bay lớn tốt nhất năm 2022.

Chia sẻ kinh nghiệm từ "người đi trước" Đà Nẵng khi đăng cai APEC 2017, TS Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cho biết Đà Nẵng đã phải khởi động một kế hoạch hành động từ năm 2014 và "chạy đua" thực hiện đầu tư các dự án như nâng cấp Trung tâm Hội nghị triển lãm thành Trung tâm Hội nghị quốc tế, trung tâm báo chí phục vụ APEC; xây dựng nhà ga quốc tế Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, xây dựng phòng VIP đón nguyên thủ quốc gia; cải tạo sửa chữa Cung thể thao Tiên Sơn phục vụ việc dự phòng địa điểm tổ chức gala dinner cho APEC; chỉnh trang hàng loạt tuyến đường trọng điểm…

Từ hạ tầng đón tiếp ở sân bay cho đến đường sá đi lại, chỗ ăn ở, nghỉ ngơi, họp hành, gặp gỡ, nơi tổ chức các lễ ký kết, tổ chức các tour khảo sát… phải đảm bảo phục vụ cho 21 đoàn, mà mỗi đoàn, mỗi nguyên thủ lại có những yêu cầu rất khác nhau. Như riêng đoàn Mỹ đi cả ngàn người, toàn chuyên cơ, hạ tầng sân bay không đáp ứng được thì thua. Đó mới là phần cứng, phần mềm còn là nhân lực quản lý, điều hành, tổ chức dịch vụ, đội ngũ cộng tác viên…

"Đây là cả một hệ sinh thái dịch vụ khổng lồ mà đơn vị đăng cai phải chuẩn bị từ rất sớm, rất xa. Phú Quốc có đặc thù là đảo, có khi cần tăng cường nhân lực từ đất liền nên rất cần sự phối hợp của nhiều lực lượng, nhiều bên liên quan trên cơ sở xây dựng một chiến dịch lớn ngay từ bây giờ. Phú Quốc nên có sự trao đổi, chia sẻ, học tập kinh nghiệm từ Hà Nội và Đà Nẵng để phục vụ tốt nhất cho sự kiện này", ông Dũng nói.

Sẵn sàng cho cuộc bứt phá hậu APEC

Với hệ sinh thái du lịch đẳng cấp, vị trí địa lý chiến lược và cơ chế đặc thù về visa, Phú Quốc đang đứng trước thời cơ vàng để khẳng định mình như một biểu tượng du lịch mới của khu vực. Thế nhưng không thể phủ nhận còn rất nhiều bất cập mà du lịch Phú Quốc thời gian qua vẫn chưa thể giải quyết triệt để. Không chỉ sân bay quá tải, thiếu đường băng, chỗ đỗ, chưa có nhà ga và phòng chờ VIP cấp nguyên thủ, mà cả hạ tầng đường bộ và đường thủy tại Phú Quốc cũng vẫn còn rất hạn chế. Phú Quốc hiện có 5 tuyến đường tỉnh nhưng chưa đồng bộ với các dự án đã được DN đầu tư, thiếu hụt hệ thống giao thông công cộng từ sân bay, các bến cảng về trung tâm TP. Về đường thủy, Phú Quốc có 4 cảng tàu thủy nhưng vừa tạm dừng khai thác cảng An Thới do chưa được khai thác xứng tầm, hiệu quả.

Theo PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, nếu nói riêng về điều kiện phục vụ APEC, Phú Quốc còn cần chỉnh trang rất nhiều về cảnh quan, môi trường và hạ tầng dịch vụ du lịch. Với những du khách vừa đặt chân đến Phú Quốc, ấn tượng đầu tiên chính là cảnh quan tại sân bay, giống như cách Singapore "hớp hồn" du khách ngay từ phút đầu bằng sân bay Changi. Vì thế, bên cạnh cải thiện năng lực khai thác, cảnh quan sân bay, cảnh quan trên đường kết nối từ sân bay về điểm nghỉ dưỡng hoặc tổ chức sự kiện đều phải được chỉnh trang bài bản, tạo ấn tượng đẹp. Theo ông Lương, hiện nay cơ sở vật chất kỹ thuật của Phú Quốc ở phía nam được đảm bảo khá tốt; rất nhiều trung tâm giải trí, resort lớn được đầu tư đẳng cấp đều nằm ở phía nam. Ở phía bắc cơ sở vật chất kỹ thuật đầu tư dàn trải, chủ yếu là bất động sản du lịch, không đi vào quần thể. Cần lưu ý để có kế hoạch tập trung đầu tư, thu hút nguồn lực thích hợp.

Bên cạnh đó, dù đã thu hút những DN lớn như Sun Group, Vingroup đầu tư những công trình lớn, nhưng đội ngũ nhân lực phục vụ du lịch của Phú Quốc hiện vừa thiếu, vừa yếu, khó đáp ứng yêu cầu chất lượng dịch vụ cao, cần phải huy động từ đất liền để phục vụ APEC.

Tuy nhiên, PGS-TS Phạm Trung Lương lưu ý APEC chỉ là bước đà tạo cơ hội. "Để hoàn thiện quy hoạch Phú Quốc đảm bảo cho "cú nổ lớn" tại APEC và quá trình vượt lên sau đó, chỉ ngân sách nhà nước không làm được. Phú Quốc cần cơ chế huy động mạnh mẽ nguồn lực xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất, hoàn thiện quy hoạch bài bản. Đây cũng là dịp để truyền thông mạnh mẽ, tuyên truyền rộng rãi về nhận thức cả xã hội cùng chung tay làm du lịch", ông Lương nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS Cao Trí Dũng phân tích: Được trao những cơ chế đặc thù đột phá, cùng với sự quyết tâm rất lớn của các nhà đầu tư, chỉ trong thời gian ngắn Phú Quốc đã lột xác trở thành một trung tâm du lịch có hệ sinh thái, dịch vụ đẳng cấp. Nhân sự kiện APEC, khơi thông cơ chế là một trong những giải pháp quan trọng nhất để Phú Quốc có thể thực hiện nghiêm túc các quy hoạch dài hạn, có định hướng phát triển rõ ràng hơn về các quy hoạch phân khu, để trở thành một trung tâm du lịch bài bản, ngăn nắp. Điều này phải xuất phát từ lãnh đạo địa phương và cộng đồng DN, phải chủ động đề xuất kịp thời giải pháp trên tinh thần quyết liệt bứt phá, đi cùng sự ủng hộ từ Chính phủ cho phép phân cấp phân quyền về địa phương, mở cơ chế huy động nguồn lực từ ngân sách tới xã hội hóa...

"Cần xác định APEC 2027 thành công không chỉ cho Phú Quốc, Kiên Giang bứt phá mà còn mở ra cơ hội để các trung tâm du lịch khác mạnh dạn đề xuất cơ chế đột phá, đưa du lịch phát triển vươn mình mạnh hơn nữa, đóng góp vào mục tiêu chung kinh tế tăng trưởng 2 con số".

TS Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.