Giải bài toán thiếu nhân lực, tăng chi phí

05/03/2020 08:07 GMT+7

Dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp không những thiếu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất mà còn đối mặt với việc gia tăng chi phí và thiếu nhân lực trầm trọng.

Không chỉ khó khăn trong việc thiếu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất mà việc dịch Covid-19 bùng phát đi kèm theo các biện pháp phòng chống dịch được nâng lên mức cao hơn cũng khiến doanh nghiệp (DN) đối mặt với việc gia tăng chi phí và thiếu nhân lực trầm trọng, cả chuyên gia lẫn lao động phổ thông.
Bà Hoàng Nhật Ánh, quyền Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may, cho hay một số DN dệt may, túi xách may mắn vẫn mua được nguyên phụ liệu từ Trung Quốc thì giá cả cũng bị phía đối tác cung cấp đẩy lên, cao hơn từ 30 - 40% so với trước tết.
“DN gia công thì bị nhãn hàng ép giá nên khó khăn càng thêm khó trong bối cảnh yêu cầu về lương tối thiểu tăng, giờ làm phải giảm”, bà Ánh nói đồng thời kiến nghị Bộ Công thương cùng làm việc với các nhãn hàng lớn để “có tiếng nói tác động” các DN đa quốc gia khuyến khích nhà gia công dùng nguyên phụ liệu trong nước hoặc điều chỉnh để không bắt buộc mua nguyên phụ liệu Trung Quốc mà đa dạng hơn với Ấn Độ, ASEAN…
Tương tự, với các DN điện tử đa quốc gia có nhà máy tại Việt Nam, hiện các công ty này cũng đang xem xét phương án nhập khẩu các lô hàng này qua đường hàng không hoặc đường biển. Tuy nhiên, như với Samsung, việc này sẽ khó khăn hơn so với đường bộ do chi phí lớn và khó có thể đáp ứng sản lượng, tiến độ thời gian cho nhu cầu sản xuất.
Do đó, kiến nghị của hiệp hội, DN điện tử cũng như các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô là Chính phủ cần trực tiếp đàm phán với chính quyền các tỉnh, địa phương của Trung Quốc cũng như cấp T.Ư Trung Quốc trong việc xem xét áp dụng hợp lý các biện pháp kiểm soát biên giới về phòng ngừa dịch bệnh để bảo đảm nguồn nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào sản xuất cho các DN công nghiệp trong nước.
Trong văn bản trình Chính phủ, UBND tỉnh Lào Cai đề xuất được thí điểm cơ chế cho phép người điều khiển phương tiện của Trung Quốc vận chuyển nguyên liệu, máy móc từ cửa khẩu quốc tế đến tận cửa của một số dự án, nhà máy trên cơ sở giám sát chặt chẽ của địa phương theo quy trình kiểm soát dịch bệnh được Bộ Y tế hướng dẫn.
Trong khi đó, rất nhiều nhà quản lý, chuyên gia, kỹ thuật viên, công nhân là người nước ngoài đang làm việc tại công ty dệt may, điện tử, hầm lò của Việt Nam và cả DN FDI chưa thể trở lại cũng khiến các DN thêm khó.
Ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Tập đoàn than khoáng sản, cho hay số lao động Trung Quốc bậc cao tham gia dự án đầu tư lẫn công nhân hầm lò cũng rất nhiều. Dù vẫn đề nghị chưa vội tiếp nhận số nhân lực này để phòng dịch hiệu quả, song ông Chuẩn cũng thừa nhận việc này tác động lớn đến các dự án đầu tư lẫn tình hình khai thác than.
Lãnh đạo Cục Công nghiệp cho biết thêm, mới đây, do phải tiến hành các biện pháp cách ly phòng dịch cũng như tâm lý e ngại của các DN Việt Nam, các chuyên gia Hàn Quốc trong lĩnh vực tư vấn cải tiến, nâng cao năng lực DN công nghiệp trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Công thương Việt Nam với Samsung và với Bộ Công thương Hàn Quốc đã không thể tiếp cận các DN trong nước để làm việc.
Do đó, đơn vị này kiến nghị, đối với các lao động là chuyên gia cao cấp, cần tạo điều kiện theo phương thức ưu tiên được nhập cảnh, làm việc và cách ly tại DN theo hướng dẫn và trợ giúp của các cơ quan y tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.