Giải bài toán thu nhập cho nông dân

28/09/2017 06:05 GMT+7

Ngập mặn, lũ lụt, sụt lún, thiếu nước..., những vấn đề của ĐBSCL đã được bàn rất nhiều trong những năm qua nhưng có lẽ chưa có hội nghị nào mổ xẻ thẳng thắn, quyết liệt đến tận cùng như Hội nghị chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL diễn ra tại Cần Thơ từ 26 - 27.9.

Người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho tới lãnh đạo các bộ, ngành; các chuyên gia hàng đầu VN về nông nghiệp, môi trường, nước, kinh tế; các chuyên gia nước ngoài với kinh nghiệm thực tiễn... đều có mặt, đều tâm huyết tìm giải pháp để cùng "vựa lúa" của cả nước thích ứng với biến đổi khí hậu. Có thể thấy, tất cả những tổn thương của ĐBSCL hiện nay thì đối tượng phải hứng chịu nhiều nhất chính là nông nghiệp - nông thôn - nông dân. Đường lối phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt coi trọng. Thế nhưng tam nông ở ĐBSCL, nơi được mệnh danh là "nồi cơm" của thế giới, đang đối mặt với rất nhiều thách thức. Đó là vấn đề chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nửa vời, đặt ra nhiều năm nhưng hầu hết các tỉnh vẫn chưa mạnh dạn chuyển lúa sang trồng màu, trồng trái cây, nuôi tôm cá mà cứ dồn sức người, sức của vào trồng lúa đến dư thừa, phải xuất bán với giá rẻ. Rồi việc can thiệp thô bạo vào tự nhiên để chống ngập mặn thay vì chủ động sống chung và tận dụng mặn như một cơ hội phát triển kinh tế. Rồi tình trạng khai thác nước ngầm tràn lan khiến bờ sông, biển bị sụt lún nặng nề... Tất cả đã được mổ xẻ đến tận cùng. Đích thân Thủ tướng cũng yêu cầu các nhà khoa học, các chuyên gia phản biện thẳng thắn những vấn đề Chính phủ cũng như các bộ ngành đặt ra để có được giải pháp đúng đắn, thiết thực và hiệu quả nhất.
Đặc biệt, Thủ tướng đã chính thức giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành xây dựng giải pháp để đưa thu nhập bình quân đầu người của ĐBSCL lên 10.000 USD vào năm 2050. Có thể nói, đây là mục tiêu quan trọng và thiết thực nhất. Bởi nhiều thập niên qua, mọi tính toán, giải pháp, kế hoạch của chúng ta đều có chung một mục đích là làm cho người nông dân trở nên giàu nhưng vẫn chưa đạt được. Đời sống của họ đến nay vẫn bấp bênh, nghèo khó. Giờ Thủ tướng đã ra đề bài cụ thể, đưa thu nhập của người dân miền Tây lên 10.000 USD. Mà muốn đưa thu nhập của họ lên mức này thì nông nghiệp phải thực sự thay đổi để tạo ra giá trị gia tăng cao. Muốn tạo giá trị gia tăng cao thì phải tập trung vào chất lượng, phải xây dựng được thương hiệu, đảm bảo được yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm - tiêu chí mà thế giới yêu cầu khi nhập khẩu nông sản, thực phẩm.
Giải quyết được bài toán thu nhập của người dân cũng có nghĩa là ĐBSCL đã thích ứng, thậm chí tận dụng được biến đổi khí hậu để tăng trưởng và phát triển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.