Dù đại dịch Covid-19, năm 2021 không tổ chức được TDT Cup, nhưng niềm vui cũng vừa đến với sinh viên tại TP.HCM khi giải đấu lần 4 năm 2022 lại được tiếp tục với 15 đội nam và 10 đội nữ của 16 trường ĐH-CĐ dự tranh.Sau hai tuần thi đấu, đội nam trường ĐH Sư phạm kỹ thuật (SPKT) và đội nữ trường ĐH Công nghiệp cùng đoạt ngôi cao nhất.
Tranh chung kết với đội nam SPKT, đội chủ nhà ĐH Tôn Đức Thắng thắng hiệp đầu. Thế nhưng được HLV Trần Phong Vinh chỉ đạo, đội SPKT với 2 mũi chủ công Thanh Toàn và Thành Thái cùng với hàng sau phòng thủ tốt hơn nên thắng lại hai hiệp sau.
Trận chung kết nam giữa đội ĐH SPKT (áo xanh) và ĐH Tôn Đức Thắng |
NHỰT QUANG |
Trận chung kết nữ là cuộc tái ngộ giữa hai đội từng vào tranh chung kết TDT Cup cách đây 3 năm và kết quả đội lúc đó đội Công nghiệp giành ngôi vô địch và đội Công nghệ TP.HCM (HUTECH) là á quân. Tham dự TDT Cup năm nay, đội trường ĐH Công nghiệp vẫn được đánh giá mạnh hơn khi sở hữu những VĐV chủ lực như chủ công Hải Nhi, chuyền hai Lê Na và đội trưởng Thu Trang nên một lần nữa vượt qua đội HUTECH.
Pha tấn công của Hải Nhi (ĐH Công nghiệp - bìa phải) |
NHỰT QUANG |
Hai đội nhận giải ba là nam ĐH Văn Hiến và nữ SPKT, còn nam ĐH Ngân hàng và nữ ĐH Sài Gòn nhận giải phong cách. Ban tổ chức còn trao 2 giải cá nhân xuất sắc cho Nguyễn Thị Hải Nhi (nữ chủ công ĐH Công nghiệp) và Hồ Dương Khắc Hiếu (nam libero ĐH Tôn Đức Thắng).
Là một giải trong “hệ thống phong trào” nhưng TDT Cup được đánh giá cao nhờ được điều hành bởi các chuyên gia có uy tín như có mặt 5 trọng tài cấp quốc gia là Hoàng Quốc Lộc (nguyên Tổng thư ký Liên đoàn bóng chuyền TP.HCM), Nguyễn Văn Cao (Trưởng bộ môn bóng chuyền quận Tân Phú), Nguyễn Minh Mẫn, Nguyễn Tấn Tài và Lương Hoàng Minh Trung.
Ông Nguyễn Văn Cao nhận xét: “Qua các giải bóng chuyền của sinh viên được tổ chức trên địa bàn TP.HCM nhiều năm gần đây, giải TDT Cup này được xem thành công nhất nhờ có sân trong nhà đạt chuẩn, mặt sân đáp ứng các yêu cầu về chuyên môn. Giải đấu có nhiều VĐV đang là sinh viên nhưng đã đạt yêu cầu về chiến thuật, chiều cao và độ bật tương đương với giải A quốc gia như chủ công Thanh Toàn (số áo 14 đội nam SPKT), chủ công Hải Nhi (số áo 12 đội nữ ĐH Công nghiệp)…”.
ĐH SPKT giành nhất nam và giải ba nữ |
NHỰT QUANG |
Qua 4 lần tổ chức, giải tạo được sân chơi bổ ích cho sinh viên nên có nhiều trường bắt đầu có đầu tư, hình thành các câu lạc bộ, đội nhóm để hoạt động bóng chuyền sôi nổi ngay trong trường mình. Đơn cử như CLB bóng chuyền trường SPKT tổ chức tuyển chọn kỹ càng sinh viên đủ tiêu chuẩn tham gia, mỗi tuần có 3 buổi tập cho nam và 3 buổi tập cho nữ. Nhờ vậy trường đã đoạt được giải nhất đội nam và giải ba đội nữ ngay trong giải TDT Cup năm nay.
Còn trường ĐH HUTECH, đầu năm nay cũng quan tâm mời cựu chủ công đội trưởng Trần Đình Quý của đội Bình Dương về làm giảng viên thỉnh giảng khoa giáo dục thể chất và trực tiếp huấn luyện cho đội nữ của trường. Từng góp công lớn giúp đội Bình Dương lọt vào top 4 giải vô địch quốc gia năm 2019, ông Quý tạo được một số chuyển biến cho đội nữ HUTECH nhưng thời gian đến với đội còn quá ngắn nên giải năm nay đội vẫn chưa “lật đổ” được ngôi đầu của đội nữ ĐH Công nghiệp.
Đội ĐH Công nghiệp vô địch giải nữ |
NHỰT QUANG |
Ông Hoàng Quốc Lộc mong muốn các trường ĐH - CĐ tại TP.HCM nên cùng tiếp tục hợp tác, duy trì sân chơi này và từng bước nâng tầm hoạt động rộng rãi hơn, tạo ra được lực lượng VĐV trẻ có chất lượng bổ sung cho hoạt động đỉnh cao của bóng chuyền TP.HCM trong tương lai.
Bình luận (0)