Trước khi NASA tuyên bố sao Hỏa có nước, Ridley Scott đã tìm được phương pháp tạo ra nguồn nước để con người có thể sống sót trên hành tinh đó tới tận 4 năm. Không tin ư, hãy xem The Martian.
Sau hàng loạt thất bại liên tiếp, đặc biệt là The counselor, đạo diễn Ridley Scott đã trở lại đỉnh cao phong độ với bộ phim mới nhất The Martian. Bom tấn mở màn này là một tín hiệu vui của điện ảnh mùa thu năm nay. Được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Andy Weir, The Martian có nội dung khá đơn giản. Do có bão cát đột ngột xảy ra mà một thành viên trong nhóm phi hành gia của NASA là Mark Watney bị bỏ rơi lại trên sao Hỏa khi đang thực hiện nghiên cứu. Mark Watney bất đắc dĩ biến thành chàng Robinson ở hành tinh chỉ toàn đất đá này. Trong lúc chờ liên lạc được với đồng đội cũng như những người ở trái đất, Mark buộc phải tìm cách để sinh tồn. Những kiến thức về khoa học đã giúp Mark làm được nhiều điều tuyệt vời như: tạo ra nước từ công thức hóa học, trồng khoai tây để ăn, kiếm nguồn năng lượng cho xe chạy...
Để ý sẽ thấy, phim Mỹ có hai kiểu giải cứu, hoặc là một người cứu cả thế giới - cái này thì chúng ta đã quá quen thuộc với hàng loạt siêu anh hùng, hoặc là thế giới cứu một người. Không biết tình cờ hay cố ý mà Matt Damon đã nằm trong danh sách được thế giới giải cứu đến ba lần, mà phi vụ nào cũng lớn cỡ “bom tấn”, từ Saving private Bryan (1998), Interstellar (2014) và bây giờ, đang chiếu ngoài rạp - The Martian. Mà người tổ chức lên kịch bản cho ba cuộc giải cứu ấy toàn ông lớn của Hollywood, lần lượt là các đạo diễn Steven Spielberg, Christopher Nolan và Ridley Scott. Thế mới thấy Matt Damon ngày càng khẳng định vị trí con cưng của mình ở Hollywood thế nào. Hãy xem The Martian để thấy anh ấy xứng đáng ra sao. Với lối diễn hết sức duyên dáng của mình, Matt Damon đã thổi vào bộ phim một sự lạc quan hiếm thấy, hoàn toàn khác so với những tác phẩm khác cùng thể loại, như là Apollo 13 (1995) hay Gravity (2013).
Vẫn là cách xây dựng bộ phim theo dạng sử thi - một sở trường của Ridley Scott đã được đạo diễn này thể hiện qua rất nhiều tác phẩm của mình như Gladiator, Black hawn down, Kingdom of heaven..., The Martian giống một hành trình sinh tồn trên sao Hỏa hơn là một cuộc tháo chạy kỳ diệu khỏi những tai ương. Lần thứ ba trở lại với khoa học viễn tưởng, sau Alien (1979) lừng danh đã trở thành chuẩn mực của dòng phim này và Prometheus (2012) với cái tôi bất chấp, đạo diễn Ridley Scott có vẻ đã kết hợp được cả sự bình tĩnh lẫn sự cao hứng trong The Martian. Ridley Scott đã kiến tạo được thế giới của ông ấy với những quy luật rất riêng, trông như một phiên bản vũ trụ của miền viễn tây Mỹ với màu sắc không lẫn vào đâu được. Và âm nhạc của bộ phim, những bản disco trong chiếc đĩa nhạc của nữ chỉ huy Lewis để lại, đặc biệt là Turn the beat around nổi tiếng ở thập niên 1980 đã làm gợi nhớ đến một tác phẩm của Marvel năm ngoái là Guardians of the Galaxy. Bài hát chủ đề xuyên suốt Guardians of the Galaxy là Hooked on the feeling, một bản nhạc pop của thập niên 1970. Dù disco hay pop thì âm nhạc của cả hai tác phẩm đều có điểm tương đồng là đã góp phần làm nên sự hưng phấn cho khán giả và vẻ phóng khoáng cho bộ phim.
Cái sự độc đáo nhất ở The Martian chính là việc thông qua nhịp điệu và dàn dựng, Ridley Scott đã biến bộ phim trở thành một show truyền hình thực tế thực sự, không phải kiểu show trong phim như The Truman show (1998). Rồi sau cái show thực tế ghi lại sinh hoạt hằng ngày của người đàn ông được cả thế giới chi tiền ra cứu, thậm chí Mỹ phải bắt tay Trung Quốc để cầu viện tàu Thần Châu (hay là cuộc bắt tay để “nịnh nọt” thị trường đông dân nhất thế giới ấy), người xem sẽ bị cuốn vào cuộc tường thuật trực tiếp giải cứu Robinson ra khỏi sao Hỏa. The Martian là màn độc tấu của sự cô đơn lạc lõng của Mark Watney, nhưng nó không phải là tất cả. Bởi, nhờ có một kịch bản xuất sắc, bộ phim còn có một thế giới sinh động khác, nơi những con người ở trái đất đang dõi theo màn độc tấu kia: Mark Watney những tháng đầu hồ hởi chiến thắng cái chết về vật chất, và Mark Watnet những năm sau đó thầm lặng hạ gục cái chết về tinh thần. Ở The Martian, Ridley Scott đã thôi không sa đà vào niềm say mê vũ trụ, và cũng không còn sợ hãi nó, điều thường thấy ở một con người nhỏ bé đứng trước tự nhiên bao la. Ông đã khám phá một vũ trụ khác, vũ trụ bên trong con người. Một cách kiêu ngạo thầm kín, Ridley Scott ngầm khẳng định sức mạnh ngang với tự nhiên của con người, không phải vì họ đã chế tạo ra bao nhiêu thứ tối tân từng đưa họ lên tận cung trăng, mà là vì họ đứng sừng sững dẫu cho có một mình, như đá sỏi trên sao Hỏa, như thiên nhiên ngoài kia.
Bình luận (0)