Giải cứu người Đan Lai

08/06/2019 10:00 GMT+7

Sống biệt lập trong rừng thẳm, thất học, đói nghèo bủa vây và hôn nhân cận huyết kéo dài đã khiến tộc người Đan Lai (Nghệ An) đứng trước nguy cơ suy vong giống nòi.

Một đề án hình thành để giải cứu người Đan Lai bước đầu đã thành công, nhưng vẫn còn nhiều dang dở...

Cuộc sống nơi hoang dã

Con đường đất dốc dựng đứng, khúc khuỷu từ trung tâm xã Môn Sơn (H.Con Cuông, Nghệ An) dẫn vào bản Búng, nơi người Đan Lai đang sinh sống, ngót 20 km. Mất một tiếng rưỡi đồng hồ chạy xe máy, tôi mới chạm được đích. Thầy giáo Lô Văn Tiến, người đã 13 năm cắm bản để dạy chữ cho trẻ Đan Lai, nói: “Thế là tốt hơn nhiều rồi đấy”, rồi kể: “Hồi trước để vào đây, tôi phải đi thuyền theo khe Khặng, mất một buổi mới đến nơi. Gặp bữa nước suối cạn, thuyền không đi được, phải cuốc bộ gần ngày trời”.
Bản Búng có 112 nóc nhà sàn, phần lớn lợp tranh, nằm co cụm thành 2 khu cạnh khe Khặng. Bốn bề trùng điệp núi rừng. Nhìn chốn thâm sơn cùng cốc này, tôi không hình dung được vì sao người Đan Lai lại xuất hiện và sinh sống được ở giữa rừng thẳm gần biên giới Việt - Lào, nơi vùng lõi của Vườn quốc gia Pù Mát này. “Người Đan Lai có gốc từ người Kinh. Khoảng hơn 300 năm trước, tổ tiên họ La chúng tôi sống dưới hạ nguồn khe Khặng, bị một bạo chúa trong vùng bắt phải nộp 100 cây nứa bằng vàng. Cả họ đi tìm nhưng không được, sợ bị giết nên kéo nhau ngược nguồn khe Khặng, tìm đến đây để chạy nạn. Vì thế, người Đan Lai chỉ có hai họ là La và Lê”, ông La Văn Quyết (ở bản Búng) kể khi trò chuyện với tôi. Đây cũng là giả thuyết nghe hợp lý nhất trong một số giả thuyết giải thích cho sự tồn tại của tộc người Đan Lai ở chốn thâm sơn này.
Năm 17 tuổi, ông Quyết theo cha đi bộ ra trung tâm xã. Đó là lần đầu tiên ông nhìn thấy thế giới bên ngoài, khác hẳn với cái bản nhỏ bé nằm đơn độc trong rừng thẳm của mình. Vài năm sau, ông cuốc bộ chừng 40 km để ra huyện và “nhìn thấy cái chi cũng lạ”. Người Đan Lai sống bằng hái lượm, săn bắt thú trong rừng, đánh bắt cá dưới suối và có tục ngủ ngồi. “Sống trong rừng này lắm thú dữ, sợ nó tấn công nên phải ngủ ngồi để dễ chống trả, xua đuổi nó”, ông Quyết lý giải.
Từ xa xưa, ở đây, trẻ vừa lọt lòng mẹ được mang ra suối để nhúng nước, vừa để tắm sạch vừa là phong tục để trẻ thích ứng được với điều kiện sống khắc nghiệt ở chốn thâm sơn này. Năm 2006, khi đến đây để dạy chữ cho trẻ Đan Lai, thầy giáo Lô Văn Tiến ngạc nhiên vì “không nghĩ họ lại nghèo đến thế”. “Những căn nhà sàn nghèo lợp tranh xác xơ, trường học cũng lợp tranh, vách nứa. Không điện, không đường, cuộc sống hoang dã. Những bữa cơm độn chỉ có muối trắng với măng rừng hoặc ít cá bắt dưới suối. Tôi phải đến từng nhà vận động, phụ huynh mới cho trẻ đến lớp. Đám trẻ không biết nói tiếng Kinh nên khi các em vào lớp 1, chúng tôi rất khổ”, thầy Tiến kể.
Nghèo đói, thất học, sống biệt lập trong rừng sâu, người Đan Lai còn bị đe dọa bởi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống kéo dài, làm suy vong giống nòi. “Anh em ruột thịt thì không dám lấy nhau, nhưng xa một tí là phải lấy nhau vì không lấy nhau thì biết lấy ai”, ông Quyết nói.
Giải cứu người Đan Lai1
Người Đan Lai đã biết tuốt lúa bằng máy thay vì dùng cối để giã

Giải cứu

Năm 2001, 36 hộ dân Đan Lai được tỉnh Nghệ An di dời ra khỏi rừng sâu, đến định cư vùng gần trung tâm xã. Thoát khỏi rừng thẳm, nhưng cuộc sống của họ vẫn bị bủa vây trong nghèo đói do thiếu đất làm ăn và tập quán săn bắt, hái lượm xưa nay vẫn còn bám theo. Năm 2006, Chính phủ phê duyệt Đề án bảo tồn, phát triển bền vững tộc người Đan Lai tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát (còn gọi Đề án 280). Đề án này như một cuộc giải cứu thực sự khi đặt mục tiêu 146 gia đình tộc người Đan Lai ở hai bản Búng và Cò Phạt sẽ được di dời ra khỏi rừng sâu.
Ông Lô Văn Thao cũng cho biết, không thể bỏ dở cuộc “giải cứu” này khi cuộc sống người dân Đan Lai ở đây vẫn chưa thoát được đói nghèo. Để bảo vệ được Vườn quốc gia Pù Mát không bị xâm hại, huyện đang đề nghị Chính phủ cho thực hiện giai đoạn 2 để hoàn thiện những phần còn lại, kinh phí trên 120 tỉ đồng, thực hiện đến năm 2025.
30 hộ còn lại ở lại bản Cò Phạt nhưng sẽ được đầu tư hạ tầng điện, đường, trường, trạm… để làm điểm du lịch sinh thái. Năm 2007, 42 hộ dân đầu tiên đã được ra khỏi rừng, đến nơi ở mới ở xã Thạch Ngàn (H.Con Cuông), cách chỗ ở cũ khoảng 60 km. Người dân được xây nhà, cấp ruộng nước, đất rừng và được trợ cấp gạo ăn trong 1 năm.
Con đường nhựa dẫn đến bản Thạch Sơn (xã Thạch Ngàn) quanh co dưới chân núi, phong cảnh rất đẹp và bình yên. 50 tỉ đồng từ Đề án 280 được bố trí để làm con đường dài gần 19 km này. 12 năm thoát ra khỏi rừng thẳm, ông La Quang Vinh, Trưởng bản Thạch Sơn, nói cuộc sống người dân Đan Lai đã thay đổi hẳn. Ban đầu, người dân chưa quen, nhưng nay họ đã thích nghi, biết trồng lúa nước, trồng rừng, chăn nuôi. Từ 42 gia đình khi ra tái định cư, nay đã tăng lên 54 hộ. Thanh niên trai gái biết vào nam, ra bắc để làm ăn, có 8 người đã sang Ả Rập Xê Út lao động.
“Tảo hôn và hôn nhân cận huyết đã chấm dứt. 10 đứa con gái Đan Lai lấy chồng người Thái và 7 đứa con trai Đan Lai đã lấy vợ người Thái rồi”, ông Vinh khoe.
Năm 2012, những hộ dân chưa ra được khỏi rừng cũng được “giải cứu” khi con đường chạy vắt vẻo qua các sườn núi được mở thông suốt từ trung tâm xã Môn Sơn chạy qua Cò Phạt và vào tận bản Búng. 4 cây cầu treo qua suối được xây dựng xong, phá thế cô lập hàng trăm năm nay của họ với thế giới bên ngoài. Năm 2018, một bước ngoặt làm thay đổi cuộc sống người dân nơi đây khi họ bắt đầu có điện lưới, rồi sóng điện thoại.
Lần đầu tiên trong nhiều thế hệ đã qua, người dân Đan Lai được dùng những thiết bị quạt điện, ti vi, nồi cơm điện, tủ lạnh và điện thoại. Bế đứa con trên tay, chị La Thị Xuân mở chiếc tủ cấp đông vừa mua về để ở góc nhà làm đá lạnh, chứa thực phẩm bán, khoe với tôi: “Tủ này hơn 5 triệu, làm đá lạnh và cất giữ thịt cá tốt lắm”. Cạnh đó, một nhóm trẻ con đang ngồi dán mắt lên cái ti vi bắt sóng bằng chảo parabol.
Giải cứu người Đan Lai2
Trẻ Đan Lai đã được xem ti vi
Bên dưới nhà chị Xuân là trường học mầm non và tiểu học đã được xây dựng kiên cố. Thượng úy Nguyễn Văn Dục, Trạm trưởng biên phòng đóng ở bản Búng, nói bây giờ cả bản có gần chục cái tủ lạnh và gần như nhà nào cũng đã có ti vi. Bản đã có trạm y tế do bộ đội biên phòng phụ trách.
Mục tiêu còn dang dở 146 hộ dân sẽ ra khỏi rừng là mục tiêu của Đề án 280 và 326 tỉ đồng đã được chi để thực hiện các hợp phần của đề án này. Thế nhưng đã 13 năm trôi qua, mới có 42 hộ thoát được rừng thẳm và thêm 35 hộ sắp ra khỏi rừng. Một dự án tái định cư cho 42 hộ khác cũng ở xã Thạch Ngàn theo đề án đã bị đổ vỡ vì quỹ đất không đủ. Ngoài ra, sẽ bố trí các hộ còn lại tại các khu tái định cư nêu trên. Sau khi 35 hộ nói trên ra khỏi rừng, hai bản Búng và Cò Phạt này vẫn còn 188 hộ dân. Và mục tiêu chỉ còn 30 hộ dân sống trong rừng ở bản Cò Phạt như Đề án 280 kỳ vọng đã không thành hiện thực.
Ông Lô Văn Thao, Phó chủ tịch UBND H.Con Cuông, nói khó khăn khi thực hiện đề án này là thiếu vốn. Do nguồn vốn rót nhỏ giọt, nên từ 93 tỉ đồng phê duyệt ban đầu, đã đội lên hơn 320 tỉ đồng, nhưng mục tiêu vẫn dang dở. Dự án phê duyệt thực hiện trong 3 năm, từ 2007 đến 2009, nhưng phải kéo dài thêm 10 năm sau vẫn chưa về đích. Trong khi đó, ở 2 bản này 13 năm qua đã phát sinh thêm 87 hộ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.