'Giải cứu niềm tin' cho tỏi Lý Sơn
04/11/2018 15:52 GMT+7
"Từ đỉnh cao rơi xuống vực sâu" là lối nói ví von của nhiều người về tỏi Lý Sơn (Quảng Ngãi) đang bị rớt giá mạnh.
Tự động phát
Nếu như vào thời điểm cuối năm 2016, giá tỏi Lý Sơn lên đến 170.000 đồng/kg tỏi khô thì hiện chỉ còn khoảng 40.000 đồng/kg.
Một nghịch lý đang diễn ra đối với tỏi Lý Sơn cũng như với rất nhiều nông sản Việt Nam, khi giá tăng cao ngất ngưởng lại không có đủ lượng để bán, còn giá xuống thấp như hiện nay thì việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tồn đọng hàng trăm tấn tỏi tại các hộ dân trên đảo, phải kêu gọi “giải cứu”.
Thứ nhất, phải khẳng định rằng, đặc sản tỏi Lý Sơn được người tiêu dùng cả nước biết đến bởi hương vị đặc trưng độc đáo: thơm dịu, cay dịu và có hàm lượng tinh dầu cao. Đặc sản này được nâng tầm và thực sự “lên ngôi” kể từ khi được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học- Công nghệ) công nhận thương hiệu quốc gia vào năm 2009. Khi được tiêu thụ mạnh trên thị trường, giá mỗi năm một tăng, cũng là lúc thương hiệu tỏi Lý Sơn bắt đầu bị lợi dụng. Vì lợi nhuận trước mắt, nhiều thương lái không ngại ngần chở tỏi từ đất liền ra đảo rồi trà trộn với tỏi Lý Sơn để bán. Thậm chí, sau khi ra đảo, một lượng tỏi được phân phối tiêu thụ tại chợ huyện, số tỏi còn lại đóng bao chở vào đất liền. Cách làm ăn gian dối như trên chẳng khác nào “gậy ông đập lưng ông”.
Thứ hai, việc chở tỏi ra đảo tỏi diễn ra nhiều năm, công luận đã nhiều lần cảnh báo nhưng tình trạng này vẫn cứ tái diễn. Vì thế, tỏi không rõ nguồn gốc vẫn được bày bán trên đảo, trong khi đó chính quyền huyện đảo loay hoay tìm cách “ứng phó” với nạn tỏi dỏm nhưng đều thất bại, bởi không thể cấm tiểu thương vận chuyển tỏi từ đất liền ra đảo, còn để bắt “tại trận” việc trà trộn tỏi nơi khác với tỏi Lý Sơn bán cho người tiêu dùng thì như “mò kim đáy biển”. Huyện Lý Sơn cũng đã hướng đến giải pháp căn cơ để giữ vững thương hiệu tỏi Lý Sơn là lập các thủ tục liên quan đến chỉ dẫn địa lý để truy xuất nguồn gốc tỏi Lý Sơn nhưng vẫn chưa xong.
Thứ ba, chính vì thương hiệu bị bôi bẩn nên đến thời điểm này đặc sản tỏi Lý Sơn không chỉ “mất điểm” đối với du khách ngay tại đất đảo mà còn khiến người tiêu dùng cả nước e ngại.
|
Theo tính toán, tỏi Lý Sơn mỗi năm chỉ sản xuất 1 vụ với diện tích hơn 300 ha, tổng sản lượng hơn 3.000 tấn tỏi tươi (khoảng gần 2.000 tấn tỏi khô). Với lượng tỏi này, ngoài việc tiêu thụ tại huyện đảo (chủ yếu bán cho du khách) thì không thể có nhiều tỏi Lý Sơn bày bán trên thị trường cả nước như hiện nay. Tỏi Lý Sơn ở đâu nhiều thế là câu hỏi của người tiêu dùng đặt ra nhưng chưa có lời giải khiến họ mất niềm tin.
|
Trong những ngày qua, giá giảm mạnh, lượng tỏi Lý Sơn còn tồn đọng khá nhiều, một số cơ quan ở huyện đảo kêu gọi “giải cứu” để giúp nông dân trồng tỏi trên đảo giảm thiệt hại, có điều kiện tái sản xuất vụ tỏi đông xuân 2018-2019. Tuy nhiên, việc “giải cứu” tỏi Lý Sơn chỉ là biện pháp nhất thời mà vấn đề quan trọng nhất, căn cơ nhất là chính quyền huyện Lý Sơn phải ra tay “giải cứu niềm tin” của người tiêu dùng. Nếu chậm trễ và cứ để thương hiệu tỏi Lý Sơn tiếp tục bị lợi dụng nhiều mánh lới làm ăn gian dối thì cái giá phải trả lớn hơn nhiều so với hệ quả hàng ngàn nông dân đất đảo ngày đêm “một nắng, hai sương” với cây tỏi đối mặt với khốn khó chồng chất hiện nay.
Bình luận (0)