Theo ông Hùng, phía tây thành cổ hiện đang bị 28 hộ dân xây dựng 38 công trình sát tường thành, ngay tại vị trí trước đây vốn là hào nước của thành cổ. Hiện các công trình nhà ở, nhà vệ sinh đều tựa vách vào tường thành cổ. Những vật dụng sinh hoạt hằng ngày cũng được các hộ dân treo, móc trực tiếp gây tác động xấu lên bờ thành.
Nhiều công trình cao tầng đang tiếp tục mọc lên làm khuất lấp bờ tường. Ngoài nhà dân, nhiều công trình của nhà nước như: Nhà văn hóa P.Thạch Thang, Nhà thể dục thể thao người cao tuổi... cũng “bao vây” các vị trí khác của thành cổ. “Năm 2004, TP cho xây dựng tòa nhà Bảo tàng Đà Nẵng ngay trong khuôn viên thành là việc làm không đúng về mặt bảo vệ di tích”, ông Hùng nói.
Tại cuộc họp rà soát các đồ án kiến trúc và quy hoạch trên địa bàn vào ngày 21.10 vừa qua, trước kiến nghị của Sở về việc cần có giải pháp quyết liệt để bảo vệ di tích thành Điện Hải, lãnh đạo TP đã quyết định di dời các hộ dân nói trên.
Đồng thời, TP cũng quyết định dừng hẳn việc xây dựng kho lưu trữ ở phía bắc thành Điện Hải để dành quỹ đất cho công viên văn hóa, nhằm tôn vinh cảnh quan của thành. Theo ông Hùng, sắp tới Sở sẽ tiến hành phối hợp với các ngành để giải tỏa các hộ dân. Tiếp đó, ngành văn hóa sẽ lập đề án trình Bộ để xin khôi phục lại toàn bộ hệ thống tường, hào theo nguyên trạng. Để bảo vệ di tích, Sở sẽ tham mưu TP xem xét lại vị trí của Bảo tàng Đà Nẵng vì xây dựng trong thành là xâm phạm đến di tích.
Thành Điện Hải được xây dựng năm 1813, dưới thời vua Gia Long, với tên gọi là đồn Điện Hải. Sau đó, vua Minh Mạng cho dời đồn vào một gò đất cao và xây bằng gạch. Năm 1835, vua Minh Mạng đặt tên đồn là thành Điện Hải. Theo ông Huỳnh Văn Hùng, thành cổ Điện Hải là di tích đặc biệt quan trọng trong các di tích tại Đà Nẵng, là một kiến trúc phòng thủ độc đáo và là chứng tích của buổi đầu kháng Pháp của cả nước.
Bình luận (0)