(TNO) Có an toàn để tái sử dụng kính áp tròng? Có nên đeo kính áp tròng khi tắm?... là những điều mà không ít người thắc mắc.
Đeo kính áp tròng là cách thuận tiện để cải thiện tầm nhìn - Ảnh: Shutterstock |
“Kính áp tròng là một trong những thiết bị y tế an toàn nhất nếu biết cách sử dụng”, giáo sư, tiến sĩ nhãn khoa Thomas L. Steinemann tại Đại học Case Western Reserve ở Cleveland và là phát ngôn viên của Viện Mắt, Mỹ nói.
Đeo kính áp tròng là cách thuận tiện để cải thiện tầm nhìn, nhưng cần phải nắm rõ một số quy tắc để tránh những tổn hại cho mắt, bởi kính áp tròng là nơi ẩn chứa nhiều nguy cơ nhiễm trùng.
Không đeo kính áp tròng qua đêm
Khi ngủ với contact lens có nghĩa bạn đang trực tiếp làm giảm lượng oxy vào mắt, do đó bề mặt của mắt sẽ dễ bị nhiễm trùng.
Ngoài ra, đeo kính áp tròng khi ngủ, vi khuẩn trên mặt kính (do đeo cả ngày) có cơ hội xâm nhập vào giác mạc.
Không đeo kính áp tròng khi tắm hoặc bơi lội
Tất cả ao hồ, sông rạch, nước biển, hồ bơi và thậm chí cả vòi nước đều là môi trường thuận lợi cho một sinh vật có tên gọi là Acanthamoeba sinh sống, và sinh vật này có thể gây nhiễm trùng mắt. Đeo kính áp tròng khi bơi lội, tắm, hoặc thực hiện các hoạt động liên quan đến nước khác có thể dẫn đến nhiễm trùng Acanthamoeba.
Không sử dụng dung dịch nước muối để làm sạch kính sát tròng.
Theo Health, dung dịch muối là nước muối đơn giản vô trùng. Nó sẽ không làm sạch hoặc khử trùng được. Hãy chắc chắn chọn giải pháp an toàn là dùng chất khử trùng riêng cho contact lens.
Contact lens cần được làm sạch bằng dung dịch khử trùng riêng - Ảnh: Shutterstock
|
Tìm ra nguyên nhân gây kích ứng
Kích ứng mắt khi đeo kính áp tròng có vẻ như cảm giác thông thường, vì thế rất dễ bị bỏ qua, nhất là khi đang bận rộn hay mất tập trung. Tuy nhiên, nếu muốn đôi mắt không bị tổn hại, cần phải tìm hiểu nguyên nhân. Tuyệt đối tránh đặt kính áp tròng lên mắt một khi mắt đã bị kích ứng, vì đó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng.
Thay kính mỗi 2-3 tháng
Giống bàn chải đánh răng cũng bị bẩn sau thời gian sử dụng, kính sát tròng cũng cần phải thay mới mỗi 2-3 tháng một lần để tránh tình trạng nhiễm trùng.
Không sử dụng nước bọt để làm ướt kính
Miệng là một trong những nơi bẩn nhất trong cơ thể. Do đó, chớ dại dột dùng nước bọt để làm sạch kính.
Ngoài ra, cần lưu ý trước khi dùng kính áp tròng phải rửa tay bằng xà phòng và nước, sau đó lau khô bằng khăn sạch để tránh dây bụi bẩn vào mặt kính.
Khi tháo kính ra khỏi mắt, phải rửa sạch mỗi ống kính với dung dịch khử trùng trước khi lưu trữ chúng.
Một điều nữa là, những ai quá bận rộn hoặc có tính lười biếng, không nên sử dụng kính áp tròng để điều chỉnh thị giác. Bên cạnh đó, những người làm việc trong môi trường có nhiều bụi và mảnh vụn trong không khí như mùn cưa, những người có vấn đề về khô mắt… cũng không nên đeo kính áp tròng.
Bình luận (0)