Giải đáp thiên văn học: Vì sao nhật thực và nguyệt thực luôn xảy ra theo cặp?

27/09/2023 20:02 GMT+7

Khi có một lần nhật thực diễn ra thì có một nguyệt thực khác trước hoặc sau đó hai tuần, và ngược lại. Vì sao vậy?

Nguyên nhân nhật thực, nguyệt thực

Theo nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA), điều này là hoàn toàn dễ hiểu nếu như chúng ta nhìn lại nguyên nhân của 2 hiện tượng nhật thực và nguyệt thực này.

Theo đó, hiện tượng này xảy ra khi mặt trời, trái đất và mặt trăng gần như thẳng hàng. Nếu như mặt phẳng quỹ đạo của trái đất và của mặt trăng trùng nhau thì hiển nhiên tháng nào cũng có nhật thực và nguyệt thực.

Giải đáp thiên văn học: Vì sao nhật thực và nguyệt thực luôn xảy ra theo cặp? - Ảnh 1.

Nhật thực và nguyệt thực luôn xảy ra theo cặp.

VACA

Nhưng vì 2 mặt phẳng này lệch nhau khoảng 5 độ nên mỗi chu kỳ trăng (tức mỗi tuần trăng, hay dễ hiểu là mỗi tháng âm lịch) chỉ có 2 thời điểm mặt trăng đi cắt qua mặt phẳng quỹ đạo của trái đất (hay còn gọi là mặt phẳng hoàng đạo).

“Nhật thực và nguyệt thực chỉ xảy ra ở những lần mà vào thời điểm cắt qua đó, mặt trăng đi qua đúng đường thẳng nối trái đất và mặt trời. Hay nói cách khác, chỉ khi nào cả 3 thiên thể nằm trên đường giao giữa 2 mặt phẳng quỹ đạo thì hai hiện tượng này mới xảy ra”, nhà nghiên cứu nói về nguyên nhân của nhật thực và nguyệt thực.

“Nhật thực và nguyệt thực không chỉ đi theo cặp"

Mặc dù phương của mặt phẳng quỹ đạo mặt trăng thay đổi liên tục do trái đất (tâm của quỹ đạo) liên tục chuyển động quanh mặt trời, nhưng nó cũng đủ chậm để đợi cho mặt trăng dịch chuyển được nửa vòng quỹ đạo của mình, kéo dài khoảng 2 tuần.

Theo chuyên gia, đó là lý do mà nếu mặt trăng đi vào vùng bóng tối của trái đất và nguyệt thực diễn ra (lân cận điểm trăng tròn), thì sau nửa tháng (lân cận điểm không trăng) nó vẫn kịp đi qua giữa mặt trời và trái đất để gây ra nhật thực.

Ông Sơn dẫn ví dụ rạng sáng 17.7.2019 theo giờ Việt Nam có nguyệt thực một phần, thì trước đó nửa tháng là ngày 2.7 đã có nhật thực toàn phần diễn ra. Tới ngày 26.12.2019, có nhật thực hình khuyên diễn ra và tương ứng là có nguyệt thực nửa tối vào nửa tháng sau đó là rạng sáng 11.1.2020.

Giải đáp thiên văn học: Vì sao nhật thực và nguyệt thực luôn xảy ra theo cặp? - Ảnh 2.

Có phải nhật thực xảy ra ít hơn nguyệt thực?

HAAC

“Trường hợp khá hiếm cũng có thể xảy ra là nhật thực và nguyệt thực không chỉ đi theo cặp 2 mà là 3, với 2 nguyệt thực và 1 nhật thực. Một ví dụ là nguyệt thực nửa tối rạng sáng 6.6.2020 được tiếp nối bằng nhật thực hình khuyên ngày 21.6 và nguyệt thực nửa tối sáng 5.7 cùng năm”, nhà nghiên cứu cho biết.

Tất nhiên, mặc dù thực tế diễn ra như vậy, nhưng đừng quên rằng mỗi lần nhật thực hoặc nguyệt thực chỉ có thể nhìn thấy ở một khu vực nhất định nào đó trên trái đất, nên không phải bạn luôn nhìn thấy đủ cặp của chúng. Chẳng hạn ở Việt Nam bạn có thể quan sát nguyệt thực một phần vào rạng sáng 17.7.2019, nhưng đã không thể quan sát nhật thực toàn phần trước đó vào ngày 2.7.

Nguyệt thực xảy ra nhiều hơn nhật thực?

Bạn cũng thường thấy rằng nguyệt thực dường như diễn ra nhiều hơn khá nhiều so với nhật thực, dù sự thật là tỷ lệ xảy ra nguyệt thực chỉ nhiều hơn nhật thực một chút - số lần chênh lệch đó nằm chính ở những bộ ba 2 nguyệt thực và 1 nhật thực.

Theo chuyên gia, việc này là do đĩa sáng biểu kiến của mặt trăng chỉ có thể che vừa khít mặt trời khiến nhật thực diễn ra rất nhanh và chỉ quan sát được ở một khu vực nhỏ trên trái đất, trong khi vùng bóng tối của trái đất rất lớn so với mặt trăng, nhất là khi tính cả vùng nửa tối. Do đó, nguyệt thực diễn ra dài và khu vực quan sát rộng hơn rất nhiều so với nhật thực.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.